Mọi chuyện bắt đầu từ Afghanistan. Thiếu tướng Andrei Drozdov, Cục trưởng Cục Tình báo đối ngoại, trình lên Chủ nhiệm Ủy ban An ninh quốc gia (KGB) Yuri Andropov dự án thành lập một đội trinh sát biệt động đặc biệt tinh nhuệ để thực hiện những nhiệm vụ bí mật ở ngoài biên giới Liên Xô. Ngày 19-8-1981, đội Vympel dưới cái tên Trung tâm huấn luyện chuyên nghiệp KGB chính thức ra đời trong một cuộc họp liên tịch bí mật giữa Bộ Chính trị và Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô.
Tại sao lại đặt tên là Vympel? Evgeny Savintsev, người đứng ra lo liệu mọi vấn đề tổ chức để Vympel ra đời, cho biết: Lúc đó có rất nhiều phương án. Bây giờ tôi cũng không nhớ hết. Chẳng hạn Berkut, Vympa... Bỗng nhiên tôi nảy ra từ Vympel. Tất cả mọi người dự họp đều thích. Thế là chọn tên đó. Nó chẳng có ý nghĩa gì cả, nhưng âm điệu nghe rất mạnh và quyết đoán.
Nhiệm vụ của Savintsev rất nặng nề. Ông phải đến tất cả các đơn vị an ninh để chọn những người vừa khỏe mạnh vừa thông minh. Tất nhiên đó là đồ cực kỳ quý hiếm và các cơ quan đều giấu biệt những nhân viên có đồng thời hai tiêu chuẩn đó của họ. Bế tắc, Savintsev quyết định tự đào tạo lấy nhân viên cho Vympel. Giờ đây, binh sĩ của Vympel phải biết tối thiểu 2 ngoại ngữ (có một sĩ quan trong đội còn biết tới... 7 ngoại ngữ), biết nhảy dù, sử dụng mọi loại súng, mọi loại thuốc nổ và mở mọi thứ khóa. Trong vòng 24 tiếng đồng hồ, họ có thể đổ bộ xuống bất cứ một địa điểm nào trên trái đất và tiêu diệt mục tiêu đã định.
1.500 binh sĩ Vympel đều từng trải qua chiến tranh Afghanistan, nhiều sĩ quan từng làm cố vấn quân sự tại Angola, Mozambique, Nicaragua... Nhưng nhiệm vụ chủ yếu của Vympel tiêu diệt mục tiêu ngoài biên giới Liên Xô đã không bao giờ được thực hiện. Vympel là một quả bom nguyên tử. Chúng tôi chỉ được sử dụng trong trường hợp cuối cùng, khi không còn phương án nào khác Anh hùng Liên Xô Evald Kozlov, tư lệnh đầu tiên của Vympel, thổ lộ.
Cuối thập niên 1980, tình hình thế giới thay đổi, chiến tranh lạnh kết thúc. Từ một đội được chuẩn bị để đánh biệt động vào hậu phương của đối phương, Vympel được tổ chức lại thành đội chống khủng bố với 2 nhiệm vụ rõ ràng: bảo vệ hệ thống hạt nhân và tìm diệt bọn khủng bố, trước hết ở Chesnia. Không một cơ sở hạt nhân nào trên lãnh thổ Nga không có dấu chân của Vympel. Nhiều sĩ quan Vympel còn thấu hiểu những vấn đề vật lý hạt nhân không kém gì những nhà khoa học làm việc trong đó. Nhưng đó là vấn đề tuyệt mật, không được phép tiết lộ. Còn chống khủng bố, Chesnia là một thử thách thực sự đối với Vympel. Hầu hết những chiến dịch của Vympel ở Chesnia đều được giữ bí mật. Nhiều anh hùng chỉ được công bố sau khi đã hy sinh. Nhân ngày sinh nhật thứ 20 của mình, một sĩ quan chỉ huy (giấu tên) của Vympel mới tiết lộ một số chiến công của họ, trong đó có việc bắt sống trùm khủng bố Chesnia Raduiev, tiêu diệt Baraiev và giờ đây, họ đang tìm diệt Basaiev và Maskhadov.
Kỳ tới: Bắt sống Raduiev, hạ sát Baraiev.
Bình luận (0)