Chuyến đi năm nay diễn ra giữa lúc ông chủ Nhà Trắng đang đối mặt một loạt thách thức mới, bao gồm một quốc hội chia rẽ. Theo The Hill, Hạ viện mới do đảng Cộng hòa kiểm soát có thể đe dọa cắt giảm viện trợ cho Ukraine trong bối cảnh xung đột bước sang năm thứ hai.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết Tổng thống Biden lên dự kiến "gửi một thông điệp mạnh mẽ" về tinh thần đoàn kết giữa Washington và các đồng minh trong chuyến thăm Warsaw.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ rời Washington vào ngày 20-2 để đến Warsaw. Ảnh: Reuters
Tổng thống Biden dự kiến rời Washington vào ngày 20-2 và đến Warsaw vào ngày 21-2. Ông sẽ gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trước khi phát biểu vào tối 21-2 (giờ Ba Lan). Ông chủ Nhà Trắng sẽ nói rõ rằng chừng nào còn cần thiết thì Washington còn sát cánh cùng Kiev, phát ngôn viên an ninh quốc gia của Nhà Trắng John Kirby cho biết.
Đáng chú ý, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có bài phát biểu thường niên cũng vào ngày 21-2.
Đến ngày 22-2, Tổng thống Biden sẽ gặp nhóm Bucharest Nine, bao gồm các thành viên ở sườn phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO): Bulgaria, CH Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Ba Lan, Romania và Slovakia.
Tháng trước, Tổng thống Biden cam kết viện trợ 31 xe tăng M1 Abrams cho Ukraine dù trước đó Washington khẳng định chúng sẽ chẳng mang lại lợi ích gì nhiều cho Kiev. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Washington đã viện trợ an ninh cho Kiev hơn 24 tỉ USD.
Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 48% người Mỹ ủng hộ viện trợ vũ khí cho Ukraine, giảm đáng kể so với mức 60% của tháng 5-2022. Khi được hỏi đến việc gửi tiền của chính phủ đến Ukraine, 38% cho biết họ ủng hộ và 38% phản đối.
Xung đột Nga-Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2 năm ngoái nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)