xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyện gì đã xảy ra ở Nhà Trắng?

TRỌNG NGHĨA

Ngày mai, 2-6, cuốn sách Chuyện gì đã xảy ra: Nội tình Nhà Trắng và văn hóa bịp bợm của Washington của Scott McClellan, nguyên thư ký báo chí Nhà Trắng, sẽ được phát hành trên khắp nước Mỹ. Đây là một “quả bom” thật sự làm rung rinh cả bộ máy chính quyền Mỹ bởi những tiết lộ động trời của một người từng được coi là bộ mặt của Tổng thống Bush

Trong mấy ngày qua, báo chí Mỹ đã trích đoạn một số chương “nóng nhất” của quyển sách rất được chờ đợi này. Nó đã được website Amazon.com chuyên bán sách qua mạng xếp ngay đầu bảng sách bán chạy nhất. Nhà Xuất bản Public Affairs tiết lộ số bản ấn hành đã tăng từ 65.000 lên 130.000 bản. Một hiện tượng sách chính trị hiếm thấy rất có lợi cho nhà xuất bản bởi chỉ phải trả cho tác giả tiền tác quyền rất khiêm tốn: 75.000 USD (1,22 tỉ VNĐ), theo hãng tin AP.

Iraq: dư luận Mỹ bị thuốc

Việc một người từng là phát ngôn viên của Nhà Trắng nổi tiếng trung thành với tổng thống (TT) vạch trần “văn hóa bịp bợm” và “chính sách đầu cơ chính trị” của ê-kíp chính quyền ông Bush quả là hiếm thấy trong chính trường Mỹ từ nhiều thập kỷ nay. Scott McClellan phục vụ ông Bush gần mười năm, trong đó có ba năm (2003 – 2006) đóng vai trò người phát ngôn của Nhà Trắng.

Ngày McClellan xin từ chức, ông còn được TT Bush khen ngợi là một người “thanh lịch và tuyệt đối trung thực”. Ông Bush còn vẽ ra một tương lai hết sức tình nghĩa: “Một ngày nào đó, chúng tôi sẽ ngồi bên nhau trên ghế xích đu ở Texas ôn lại một thời đã qua”. McClellan, 40 tuổi, sinh trưởng ở Texas, vốn là đồng hương của TT Bush.

Vậy mà giờ đây, đọc nhưng dòng chữ McClellan viết về TT Bush và bộ máy chính quyền ông Bush, người ta bỗng giật mình. Theo tác giả, ông Bush là một người thông minh, quyến rũ và khôn khéo về mặt chính trị nhưng ương bướng “không bao giờ nhận sai lầm”, “thay đổi ý kiến như chong chóng”, “lao vào cuộc chiến (Iraq) không cần thiết mà không nghĩ đến việc “chuẩn bị thời kỳ hậu chiến”. Cuộc chiến Iraq, theo tác giả, là “một sai lầm chiến lược nghiêm trọng”.

Trong chương Buôn chiến tranh, tác giả tố cáo chính quyền ông Bush “đổi màu sự thật”, “xoay chuyển các nguồn dư luận sao cho có lợi cho TT” trong vấn đề cuộc chiến Iraq. Tóm lại, nhân dân Mỹ đã bị TT và Nhà Trắng lừa bịp. McClellan còn có một nhận định gây bối rối nhiều cho TT khi ông ta nói: “Điều mà tôi biết là chỉ nên tiến hành chiến tranh khi cần thiết. Chiến tranh Iraq không phải là một cuộc chiến cần thiết”. Lời tố giác của McClallen rất nghiêm trọng: “Chính quyền ông Bush đã quyết định quay lưng lại với sự vô tư và trung thực vốn là những đức tính cần thiết nhất” trong thời kỳ tiến hành cuộc chiến chống Iraq”.

Từ Katrina đến vụ án Plame

Không có nhân vật lớn nào trong bộ máy Nhà Trắng không bị McClellan chỉ trích. Carl Rove, “bộ não” của TT Bush, theo tác giả, là một người gian xảo.

Chính Karl Rove cùng với Lewis Libby – Chánh Văn phòng Nhà Trắng - đã tiết lộ trên tờ The Washington Post thân phận của bà Valerie Plame Wilson - đặc vụ CIA hoạt động trong lĩnh vực vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD)- bởi vì chồng bà này chỉ trích chính quyền ông Bush thổi phồng việc Iraq mua uranium của Niger để lấy cớ tấn công Iraq. Việc rò rỉ thông tin này vi phạm pháp luật vì sự nghiệp của bà Plame coi như chấm dứt. Nhưng McClellan được TT chỉ đạo tuyên bố với báo chí rằng Rove và Libby vô can. Cuộc điều tra sau đó của CIA chứng minh rằng Rove và Libby đã dính líu đến vụ này. Theo tác giả, TT Bush đã bị lừa cho nên cũng lừa luôn McClellan mà không biết.

Trong vụ bão Katrina, tác giả trách Nhà Trắng im hơi lặng tiếng cả tuần. Sau đó, Rove tham mưu TT dùng trực thăng thị sát vùng thảm họa. McClellan can gián: Làm như vậy người dân sẽ có cảm tưởng rằng TT xa cách dân. Nhưng cuối cùng TT nghe lời Rove. Vụ án Plame và Katrina, theo McClellan, đã góp phần làm cho hình tượng TT phai nhạt trong lòng dân. McClellan viết: “Một trong những thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử nước ta đã trở thành một trong những thảm họa lớn nhất của TT Bush”. Đây cũng là một trong những lý do khiến McClellan xin từ chức.

Ngoại trưởng Condoleezza Rice cũng bị tác giả chỉ trích là “hùa theo” chính sách ngoại giao của TT Bush. McClellan không chỉ đả kích bà Rice trong sách mà còn lên đài truyền hình NBC đưa ra những nhận xét không tốt về bà Rice. Theo McClellan, ở Nhà Trắng, thay vì đưa ra quan điểm riêng hoặc phản biện thì bà Rice lúc nào cũng cho rằng TT nói đúng. Đối với những thành viên khác của ê-kíp TT phụ trách đối ngoại, như Phó TT Dick Cheney, Bộ trưởng Quốc phòng (lúc bấy giờ) Donald Rumsfeld, bà Rice cũng hùa theo họ. “Bà ấy tỏ ra quá tôn sùng các vị ấy”.

McClellan cũng phiền trách giới truyền thông “quá tôn sùng” Nhà Trắng cho nên cũng bị lừa vì không chịu kiểm tra lập luận sai trái “Saddam Hussein có vũ khí hủy diệt hàng loạt” của Nhà Trắng, một cái cớ để xâm lăng Iraq.

Sẵn sàng hầu quốc hội

Sau khi hạ nghị sĩ Robert Wexler thuộc Đảng Dân chủ, ủy viên cao cấp Ủy ban Tư pháp Hạ viện (HJC), kêu gọi Scott McClellan làm chứng trước ủy ban hôm 30-5, McClellan tuyên bố sẽ sẵn sàng hầu quốc hội.

Theo đài CNN, hiện nay HJC đang xem xét việc Nhà Trắng sử dụng những thông tin tình báo trước cuộc chiến Iraq trong vụ cách chức 8 luật gia Mỹ năm 2006 và vụ rò rỉ thông tin về thân phận đặc vụ CIA Valerie Plame Wilson.

McClellan cho biết ông rất hân hạnh được mời làm chứng trước Hạ viện về chuyện bà Valerie Plame Wilson bị tiết lộ thân phận như thế nào. Ông nói: “Tôi rất vui được chia sẻ quan điểm của tôi. Tôi nghĩ rằng mọi việc đã rõ ràng trong cuốn hồi ký của tôi. Những gì quan trọng nhất mà tôi biết (về vụ rò rỉ thông tin) đã được trình bày trong sách. Đó là những gì tôi được Karl Rove và Scooter Libby kể cho nghe. Khi tôi biết mình đã đi lầm đường - chuyện này tôi biết quá muộn - tôi mới bắt đầu vỡ mộng về Nhà Trắng”.

Nhưng bà Dana Perino, người phát ngôn của Nhà Trắng hiện tại, tuyên bố rằng Nhà Trắng có thể dùng đặc quyền hành pháp để ngăn cản McClellan ra làm chứng trước HJC. Song, bà nhấn mạnh rằng hiện tại, Nhà Trắng chưa quyết định làm chuyện ấy vì chưa nhận được lời yêu cầu chính thức của HJC.

Tuy nhiên, ông Wexler cũng nói rằng việc Nhà Trắng sử dụng đặc quyền hành pháp, trong trường hợp này, sẽ không có giá trị vì ông McClellan đã công khai những thông tin liên quan trong sách và trong những buổi nói chuyện tại các đài truyền hình.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo