Ngày 19-4, báo The New York Times cho biết sự cạnh tranh giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã tăng nhiệt và trở nên nguy hiểm hơn bằng cuộc chạy đua vũ trang giữa 2 nước.
Giấc mơ chế tạo chiến đấu cơ siêu thanh của Hàn Quốc đã thành hiện thực trong tháng này với chiếc KF-21, được phát triển với chi phí 7,8 tỉ USD. Seoul gần đây cũng tiết lộ kế hoạch mua hàng chục máy bay trực thăng chiến đấu mới của Mỹ.
Trong chuyến thăm Cơ quan Phát triển Quốc phòng của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hồi năm ngoái, Tổng thống Moon Jae-in nói rằng Seoul đã “phát triển một tên lửa đạn đạo tầm ngắn với một trong những đầu đạn lớn nhất thế giới”.
Hàn Quốc chạy đua phát triển tên lửa. Ảnh: Yonhap
Ngay sau chuyến thăm, truyền thông Hàn Quốc đưa tin vũ khí mà ông Moon đề cập là Hyunmoo-4, một tên lửa được thử nghiệm hồi năm ngoái. Theo các chuyên gia tên lửa, Hyunmoo-4 có thể bay 800 km, đủ để nhắm tất cả mục tiêu của Triều Tiên. Trọng tải 2 tấn của nó - lớn bất thường đối với một tên lửa tầm ngắn - có thể phá hủy các căn cứ tên lửa ngầm của Bình Nhưỡng.
Các chuyên gia tên lửa cho rằng Hàn Quốc có thể sẽ cần vũ khí hạt nhân xuyên đất từ Mỹ để tiêu diệt các boongke mà lãnh đạo Triều Tiên cho xây dựng trong thời chiến.
Không chịu thua kém, vào ngày 25-3, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo mới và cho hay nó bay được 600 km với đầu đạn 2,5 tấn. Vụ thử khiến ông Moon tuyên bố vào ngày hôm sau rằng Hàn Quốc có “khả năng tên lửa tầm cỡ thế giới, đủ để tự vệ trong khi tuân thủ cam kết phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên”.
Không giống như Triều Tiên, Hàn Quốc đang thiếu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nước này tiết kiệm chi tiêu quân sự, mua sắm máy bay phản lực tàng hình của Mỹ và chế tạo các tên lửa thông thường ngày càng mạnh có khả năng nhắm vào các cơ sở tên lửa và boongke của Bình Nhưỡng.
Triều Tiên thử tên lửa mới. Ảnh: KCNA
Các chuyên gia cảnh báo cuộc chạy đua vũ trang tiếp theo giữa 2 miền Nam - Bắc Triều Tiên đang gây nguy hiểm cho cán cân hòa bình vốn mong manh trên bán đảo Triều Tiên.
Nhà phân tích tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc Jang Cheol-wun cho biết: "Khi cả 2 bên hành động và phản ứng thông qua xây dựng vũ khí để bảo vệ quốc gia, nó sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn phá hoại nền quốc phòng và làm sâu sắc thêm vấn đề an ninh của họ".
Theo báo The New York Times, Hàn Quốc và Triều Tiên từ lâu đã mắc kẹt trong một cuộc chạy đua vũ trang kéo dài. Nhưng khả năng hạt nhân ngày càng tăng của Bình Nhưỡng cùng với nỗi lo ngại về việc quân đội Mỹ rút khỏi Hàn Quốc dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã làm căng thẳng gia tăng.
Lúc còn đương nhiệm, ông Moon đã tăng chi tiêu quân sự hằng năm của Hàn Quốc lên 7%, so với mức 4,1% của người tiền nhiệm. Sau khi đàm phán ngoại giao để loại bỏ kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên bị thất bại, ông Moon phải lên tiếng trấn an người dân Hàn Quốc.
Mỹ cố gắng ngăn chặn việc phổ biến tên lửa trên bán đảo Triều Tiên suốt nhiều thập kỷ. Theo hướng dẫn đầu tiên được thông qua giữa Washington và Seoul vào năm 1979, Hàn Quốc bị cấm phát triển tên lửa đạn đạo với tầm bắn hơn 300 km và tải trọng hơn 500 kg. Sau khi Triều Tiên tấn công một hòn đảo của Hàn Quốc bằng tên lửa vào năm 2010, Seoul đã yêu cầu Washington nới lỏng hạn chế để họ có thể chế tạo tên lửa mạnh hơn.
Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Chun Yung-woo nói: "Chúng tôi ám chỉ rằng chúng tôi có thể đơn phương hủy bỏ hướng dẫn về tên lửa (của Mỹ). Chúng tôi nói với Mỹ rằng nếu chúng tôi không giải quyết mối lo ngại về mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng tăng của Triều Tiên, ngày càng nhiều người dân Hàn Quốc kêu gọi chế tạo bom hạt nhân”.
Năm 2012, Mỹ đồng ý cho Hàn Quốc triển khai tên lửa đạn đạo với tầm bắn lên tới 800 km nhưng vẫn giới hạn đầu đạn ở mức 500 kg. Hàn Quốc kể từ đó đã thử nghiệm các tên lửa có tầm bắn ngày càng tăng và đầu đạn lớn hơn, bao gồm Hyunmoo-2A, Hyunmoo-2B và Hyunmoo-2C. Khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên vào năm 2017, cựu Tổng thống Trump đã dỡ bỏ hoàn toàn giới hạn trọng tải, dẫn đến sự ra đời của Hyunmoo-4.
Trong khi đó, kể từ khi lên nắm quyền cách đây một thập kỷ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tìm cách chế tạo ICBM có khả năng vươn tới Mỹ. Ông cũng đe dọa sẽ lật ngược cán cân tên lửa chống lại Hàn Quốc.
Vào tháng 1 năm nay, Triều Tiên thông báo đã chế tạo các tên lửa hạt nhân tầm ngắn nhằm vào Hàn Quốc và cam kết sẽ cải tiến chúng bằng cách làm cho các đầu đạn "nhỏ hơn, nhẹ hơn và mang tính chiến thuật cao".
Các khẩu đội tên lửa Scud và Rodong cũ của Triều Tiên sử dụng nhiên liệu lỏng và thiếu độ chính xác. Thế hệ tên lửa mới của nước này sử dụng động cơ đẩy rắn, giúp chúng bay nhanh hơn, dễ vận chuyển hơn và khó nhắm mục tiêu hơn. Chúng cũng có độ chính xác cao hơn và cơ động, có thể gây nhiễu các hệ thống phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc.
Một số người dân Hàn Quốc sợ rằng Mỹ sẽ ít có khả năng can thiệp nếu họ đối mặt với một cuộc tấn công hạt nhân tiềm tàng từ Triều Tiên.
Bình luận (0)