“Kumari” trong tiếng địa phương ở đây có nghĩa là “trinh nữ” và việc chọn một bé gái làm thánh nữ kumari để thờ “sống” là một truyền thống ở Nepal đã kéo dài hàng thế kỷ. Cô bé Yunika đã được chọn làm nữ “thánh sống” từ khi còn bé do có “lông mi dài như lông mi bò” và “giọng nói thanh như tiếng vịt”, theo báo giới địa phương.
Tương truyền rằng thánh nữ kumari sẽ ban may mắn và phước lành cho những ai đã nhìn thấy thánh nữ. Do vậy tại lễ hội mưa của đạo Hindu trong tháng 7 vừa qua, hàng nghìn người đã hành hương đến để tỏ lòng tôn kính với vị thánh nữ 7 tuổi này, trong đó có cả Thủ tướng Nepal Pushpa Kamal Dahal. Dù là Thủ tướng nhưng ông cũng phải cúi đầu lạy cô bé này khi họ gặp nhau.
Yunika (7 tuổi) là Kumari hiện tại của Nepal từ năm 2014. Ảnh: ABCNews
Tuy đã trở thành thánh nữ cao quý nhưng cô bé Yunika hiện vẫn sống cùng bố mẹ. Bố của cô bé, anh Ramesh Bajracharya chia sẻ: “Khi con gái được chọn để trở thành Kumari, tôi đã vô cùng hạnh phúc, bởi vì Kumari là thánh nữ sống được tôn kính vô cùng ở Nepal”.
Bố mẹ của Yunika đã nghỉ việc hẳn để trở thành những người chăm sóc toàn thời gian cho con gái, một công việc không dễ dàng gì vì các Kumari không được phép rời khỏi nhà trừ những dịp đặc biệt và không bao giờ được chạm chân xuống đất.
Chị Sabita, mẹ của Yunika, đã trở thành một nghệ sĩ trang điểm vì chị luôn phải bôi những loại màu đặc biệt lên gương mặt Yunika để thể hiện rằng cô bé là thánh nữ khác với những người bình thường khác.
“Tôi cũng thấy hơi buồn khi nhìn những đứa trẻ khác vui chơi bên ngoài, nhưng bạn bè của Yunika cũng có đến chơi với cháu bên trong nhà. Bất kể những gì cháu muốn, búp bê hay bất cứ thứ gì, chúng tôi cũng đáp ứng yêu cầu cho cháu” – chị Sabita kể.
Thánh nữ sống Yunika và bố mẹ. Ảnh: ABCNews
Để trở thành một Kumari, cô bé được chọn phải đáp ứng những tiêu chí như “hàng lông mi dài như lông mi bò”, “bắp đùi thon như đùi nai” và “giọng nói thanh như tiếng vịt”.
Sau khi đáp ứng đầy đủ những tiêu chí về ngoại hình nói trên thì cô bé được chọn còn phải có biểu đồ chiêm tinh phù hợp và thuận lợi cho Đức vua Nepal. Cô bé còn được kiểm tra về tâm lý và phải chứng tỏ mình “không sợ hãi” và “bình thản” trước khi được chính thức tôn là thánh nữ.
Một khi trở thành Kumari, cô bé được chọn sẽ được xem là hiện thân của nữ thần Durga trong Hindu giáo. Tuy nhiên, ngay khi đến tuổi dậy thì, Kumari sẽ trở lại là một thành viên bình thường của xã hội và một Kumari kế tiếp sẽ được chọn.
Chị Rashmila Shakya, một cựu Kumari năm nay đã 32 tuổi chia sẻ với chương trình phóng sự ban đêm Nightline của đài BBC: “Khi tôi còn là một Kumari, tôi không được phép đi bộ ra ngoài, do vậy khi không còn là Kumari nữa, tôi đã gặp khó khăn và cảm thấy khó chịu khi đi bộ trên đường”.
Ngoài ra, chị Shakya cũng bác bỏ quan niệm mê tín dị đoan rằng “những người đàn ông nào cưới Kumari đều sẽ chết trẻ”. Chị chia sẻ: “Tất cả các cựu Kumari đều đã kết hôn. Tôi cũng mới kết hôn 6 tháng trước. Đây chỉ là tin đồn mà thôi”.
Việc được trở lại làm một người bình thường chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa các Kumari ở Nepal và các Đạt Lai Lạt Ma ở Tây Tạng. Đạt Lai Lạt Ma được xem là vị “Phật sống” ở Tây Tạng trong suốt cuộc đời và sau khi mất, linh hồn của ông được cho là sẽ tái sinh vào một bé trai khác. Bé trai nào được xem là hóa thân tiếp theo của Đạt Lai Lạt Ma sẽ lại được tôn thờ thành một vị Đạt Lai Lạt Ma mới. Tương tự như việc tìm kiếm Kumari, việc tìm Đạt Lai Lạt Ma mới cũng đòi hỏi nhiều thử nghiệm và tiêu chí.
Năm 2008, Tòa án Tối cao Nepal đã bác bỏ thỉnh cầu thư đề nghị chấm dứt phong tục chọn Kumari này và khẳng định giá trị văn hóa của phong tục, dù rằng một số nhà vận động văn hóa vẫn cho rằng truyền thống này là ép buộc lao động trẻ em.
Phong tục chọn Kumari này càng thể hiện vai trò văn hóa to lớn hơn ở Nepal sau trận động đất kinh hoàng 7,8 độ richter ở đất nước này hồi tháng 4-2015 khiến khoảng 8.000 người thiệt mạng.
Bình luận (0)