Vấn đề này chỉ được phát lộ khi EU muốn biết dân số chính xác của nước này. Nhưng không thể làm một cuộc điều tra đầy đủ vì nhà người Albania thường không có địa chỉ, nhiều thị trấn, làng mạc không có tên. Người dân coi như “vô gia cư”. Một quan chức cho biết ước tính 40% người Albania không có địa chỉ bưu điện. Một cư dân thủ đô Tirana nói mộc mạc: “Tôi sống trong một tòa nhà màu xanh” để chỉ nơi anh ở gần một ngã tư để nhận diện. Người khác nói: “Nhà tôi ở đối diện một cây cầu” hoặc “tôi ở ngôi nhà sơn mầu nâu sau tiệm bánh ấy” v.v... Bác sĩ Servete Lohja sống ở Tirana tiết lộ: “Đa số người dân sống ở những thị trấn lớn không biết tên nơi ở của mình”. Nhiều bệnh nhân ốm nặng đã chết oan bởi xe cứu thương không thể tìm ra địa chỉ nhà họ.
Dưới thời Enver Hoxha (từ thế chiến thứ hai đến năm 1985), Albania đóng cửa với bên ngoài, không có bưu điện do rất ít người gửi thư ra bên ngoài. Đường phố không có số nhà hoặc nếu có chỉ mang tên các nhà lãnh đạo nước này. Nhiều tên đường phố cũ nay đã không còn nhưng bản thân người Albania cũng không quyết định nên lấy tên nào thay cho những tên phố cũ. Cuối những năm 90, Albania chìm trong những cuộc xung đột vũ trang và vô chính phủ do hàng trăm ngàn người mất hết tiền tiết kiệm trong một vụ lừa đảo ngân hàng chưa từng có. Tại trung tâm thị trấn Lushnja, những người Albania đã ném cả một chiếc đàn dương cầm ra cửa sổ vào một nhóm cảnh sát. Một cuộc thảo luận của hội đồng thành phố về việc đặt tên phố đã biến thành một cuộc đụng độ khiến ba vị ủy viên hội đồng thành phố bị đập ghế vào đầu.
“Vô gia cư” kiểu này đúng là độc nhất vô nhị!
Bình luận (0)