xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyện tình Aung San Suu Kyi

Nguyễn Cao

Ai cũng biết bà Aung San Suu Kyi có chồng và 2 con song mãi đến cuối năm 2011, chuyện tình của nhà lãnh đạo phong trào dân chủ ở Myanmar mới được kể lại khá chi tiết

Trong thời gian tìm tư liệu để viết kịch bản phim The Lady từ năm 2007, nhà văn nữ người Anh Rebecca Frayne phát hiện một điều thú vị: Ít ai biết rõ chuyện tình giữa 2 sinh viên Đại học Oxford một Âu một Á bắt đầu từ cuối những năm 1960 vì một lẽ đơn giản: Những người trong cuộc không hé môi.

“Romeo và Juliet” phiên bản Myanmar

Khi bà Frayne gợi ý đưa cuộc đời bà Aung San Suu Kyi (tên gọi thân mật là Suu) lên phim, đạo diễn Luc Besson không mặn mà lắm. Lúc bấy giờ, bà đã được trả tự do sau hơn 15 năm bị quản thúc tại gia, trở thành một huyền thoại sống ở Myanmar.

Ông Besson ngần ngại vì đề tài “khó nhằn” và nhạy cảm bởi bối cảnh chính trị. Tuy nhiên, đọc xong kịch bản, ông Besson thốt lên: “Đây là chuyện tình Romeo và Juliet phiên bản Myanmar đây mà”.

Và bộ phim đã được thực hiện kín đáo tại Thái Lan, ngoài tai mắt truyền thông, kể lại cuộc đấu tranh bất bạo động đầy gian khổ đòi dân chủ của bà Suu nhưng chủ yếu là một câu chuyện tình éo le mà nhà phê bình điện ảnh Florence Ben Sadoun nhận xét trên tuần báo Elle: “Một câu chuyện vĩ đại nhờ sức mạnh của tình yêu”.

Vào vai bà Suu là Dương Tử Quỳnh, hoa hậu Malaysia 1983, ngôi sao điện ảnh Hoa ngữ nổi tiếng. Bộ phim gây tranh cãi trong giới phê bình điện ảnh nhưng có thể nói thành công ngoài mong đợi của ê-kíp làm phim.

 

img

 

Đối với “chàng Romeo” Michael Aris, đó là mối tình sét đánh khi Lord Gore-Booth, cựu đại sứ Anh ở Myanmar, giới thiệu với anh con nuôi Aung San Suu Kyi - sinh viên cử nhân triết học, chính trị và kinh tế Đại học Oxford - vào năm 1967.  

Đó cũng là một mối tình đầy thử thách và hy sinh.

Thử thách đầu tiên - cũng là một cuộc chia ly - diễn ra khi bà Aung San Suu Kyi đến Mỹ năm 1969, làm trợ lý cho Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc lúc đó là ông U Thant, người Myanmar; còn Michael đi đi về về giữa London và Bhutan nghiên cứu văn hóa Tây Tạng để lấy bằng tiến sĩ.

Trong thời gian này, “Romeo” và “Juliet” đã trao đổi với nhau 187 lá thư đầy ắp tình yêu thương và nhớ nhung. Và họ đã vượt qua thử thách. Khoảng cách địa lý đã không biến thành “xa mặt cách lòng”.

Chính “Romeo” chủ động ngỏ lời cầu hôn “Juliet” khi cả 2 lưu trú tại vùng núi phủ đầy tuyết trắng ở Bhutan, nơi ông Michael Aris được mời làm gia sư cho hoàng gia. Ngày 1-1-1972, đám cưới 2 người được tổ chức tại nhà Lord Gore-Booth theo nghi lễ Phật giáo Bhutan (bà Aung San Suu Kyi là tín đồ Phật giáo nguyên thủy).

Trước khi cưới, bà Suu thỏ thẻ với Michael: “Em chỉ yêu cầu anh một chuyện, nếu nhân dân cần em, hãy giúp em hoàn thành nghĩa vụ đối với Tổ quốc”. Là một sinh viên khoa lịch sử, anh tìm thấy ở người con gái Myanmar hiện thân của tình yêu mầu nhiệm đối với phương Đông. Michael không hề do dự khi gật đầu vì ông rất thông cảm hoàn cảnh của người vợ sắp cưới mồ côi cha lúc mới 2 tuổi. Một thỏa ước đầy kịch tính, báo hiệu hạnh phúc gia đình của bà Suu có thể tan vỡ bất cứ lúc nào nếu Tổ quốc gọi bà.

Cha của bà Suu, tướng Aung San, là một nhà cách mạng, người sáng lập Đảng Cộng sản Myanmar năm 1939; là cha đẻ của Quân đội quốc gia Myanmar. Ông là người thương thuyết với đế quốc Anh, kết quả là Myanmar giành được độc lập vào năm 1947.

Nhưng 6 tháng trước ngày Myanmar tuyên bố  độc lập, ông bị nhóm dân quân của một cựu thủ tướng thù địch ám sát cùng với 6 vị bộ trưởng trong nội các do ông lãnh đạo. Ông chết đi, bà Suu được mẹ giáo dục để hoàn thành ước nguyện của người cha mà sau này được đa số người Myanmar gọi là “Cha đẻ nền độc lập Myanmar”.

Bên tổ quốc, bên tình riêng

Trong 16 năm đầu, gia đình bà Suu tràn đầy hạnh phúc. Bà toàn tâm toàn ý vào nghĩa vụ làm vợ. Bà tự dọn dẹp nhà cửa, thậm chí ủi từng chiếc vớ của chồng trong sự ngỡ ngàng của bạn bè vốn là những người phụ nữ hiện đại, tín đồ của phong trào giải phóng phụ nữ.

Người dân Grantown-on-Spey - một thị trấn nhỏ cổ kính và yên bình ở Scotland cách xa Yangon hàng vạn cây số - từng biết rõ gia đình bà Suu sống trong thị trấn 1 năm. Vài ngày sau khi bà Aung San Suu Kyi và đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử quốc hội Myanmar hôm 8-11-2015, đã có những xáo động trong thị trấn.

 


Bà Suu và ông Michael vào năm 1972 (Ảnh từ album gia đình bà Suu)

Bà Suu và ông Michael vào năm 1972 (Ảnh từ album gia đình bà Suu)

 

Năm 1975, bà Suu cùng chồng và Alexander Aris (thường gọi là Alex), con trai đầu lòng, dọn về căn nhà có tên Clachnastrone của cha Michael. Trong khi chồng miệt mài nghiên cứu văn học Tây Tạng, bà Suu - lúc bấy giờ vừa bước qua tuổi 30 - là một người nội trợ đảm đang, ít nói, được hàng xóm quý mến.

Bà Nessa MacKenzie, một trong những người bạn thân của bà Suu khi cả 2 học chung lớp nữ công ban đêm, nhớ lại: “Chị ấy học giỏi nhất lớp. Chị thường trở về thị trấn thăm ba mẹ chồng sau khi sinh Kim - đứa con trai thứ hai. Chị ấy rất đẹp, được nhiều người ở đây biết và quý mến. Tôi nghĩ giờ đây nên có một tấm bia tưởng niệm gắn trên tường ngôi nhà Clachnastrone”.

Đó cũng là ý kiến đa số cư dân Grantown-on-Spey. Theo nhật báo The Scotman, đang  có một chiến dịch đề nghị chính quyền địa phương công nhận thị trấn có mối liên hệ độc đáo với bà Aung San Suu Kyi, biểu tượng của hòa bình và dân chủ ở Myanmar.

Bà Suu chăm chỉ nuôi Alex và Kim, đồng thời thu thập tư liệu viết tiểu sử cha và một số cuốn sách cho thanh niên Myanmar. Bà cũng hỗ trợ chồng trong việc dạy học và hoàn tất bằng tiến sĩ  văn hóa vùng Himalaya, trong đó có Tây Tạng và Bhutan. Cả hai sống âm thầm, tránh xa những nơi có thể thu hút tai mắt thù địch.

Cho đến một đêm cuối tháng 3-1988. Michael kể lại trong cuốn Freedom From Fear (1991) mà ông là tác giả: “Đó là một đêm thanh bình như mọi đêm ở Oxford.  Mấy đứa con đã ngủ, chúng tôi đang ngồi đọc sách thì chuông điện thoại bật reo. Vợ tôi nhấc máy. Mẹ của Aung San Suu Kyi bị đột quỵ nặng. Nàng gác máy và lẳng lặng xếp quần áo vào vali. Linh tính báo cho tôi biết cuộc sống chúng tôi sẽ thay đổi lớn”.

“Nàng Juliet” tức tốc bay về  thủ đô Rangoon (bây giờ là TP Yangon) với ý định ở lại vài tuần rồi quay trở về London ăn mừng lễ Giáng sinh cùng gia đình. Bà không ngờ mình bị cuốn vào một cuộc đấu tranh chính trị kéo dài hơn 20 năm.

Phong trào đấu tranh đòi dân chủ lúc bấy giờ như rắn không đầu. Vào thăm mẹ trong bệnh viện, trái tim bà đau nhói khi thấy sinh viên và những người biểu tình đòi dân chủ, dân sinh nằm la liệt, máu me đầy mình trên giường bệnh vì bị quân đội đàn áp thẳng tay. Nhiều bậc trưởng lão trong giới trí thức khẩn thiết yêu cầu bà “đứng mũi chịu sào” lãnh đạo phong trào với tư cách là con gái của tướng Aung San.

Cũng có đắn đo, dằn vặt vì bà là phụ nữ. Chấp nhận ở lại theo tiếng gọi của Tổ quốc cũng là chấp nhận xa lìa chồng con không phải 1-2 tháng hay vài năm bởi vì tương quan lực lượng rất cách biệt. Và cũng kể từ đó, bà chỉ gặp lại chồng con lần đầu tiên ở nhà riêng sau khi được tạm tha vào ngày lễ Giáng sinh năm 1995. Hai năm sau, phát hiện mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối, Michael làm đơn xin Myanmar cấp visa để sang gặp vợ trước khi nhắm mắt xuôi tay không phải một lần mà hơn 30 lần nhưng không được. Mỉa mai thay, khi Rangoon chịu cấp visa thì đó cũng là ngày ông Michael lìa trần: 27-3-1999, ngày ông chào đời trước đó 53 năm.

Chia tay một lần và mãi mãi

Ngay cả lúc chồng lâm vào cảnh thập tử nhất sinh, bà Suu không thể về London giáp mặt chồng con. Thật ra, như nhiều lần trước đó, chính quyền Rangoon sẵn sàng cho phép bà - cái gai trong mắt nhà cầm quyền - xuất cảnh qua Anh với điều kiện ngầm “một đi không trở lại”. Lần nào bà cũng chọn giải pháp ở lại, một quyết định hết sức đau lòng nhưng bà không còn sự lựa chọn nào khác cho vẹn cả đôi bề.

Biết không gặp được người chồng yêu quý lúc lâm chung, bà mặc chiếc áo Michael yêu thích nhất, cài một đóa hồng trên tóc, đến tòa đại sứ Anh ở Rangoon từ biệt chồng. Trong đoạn băng ghi hình ngắn, với lời lẽ thắm thiết, bà yêu cầu các con thay mặt mẹ ra đồng hái hoa dại dâng cho chồng. Khi cuộn băng đến được London bằng con đường bí mật thì ông Michael đã qua đời trước đó 2 ngày.

Trong gần 3 thập kỷ, bà Aung San Suu Kyi bị quản thúc tại gia ở Rangoon (Yangon) hơn phân nửa thời gian, sống xa chồng, xa con hàng vạn cây số. Mang nỗi ân hận trong lòng nhưng bà hiếm khi thổ lộ chuyện ấy mà âm thầm ôm nỗi đau không thể nói bằng lời. Trong hơn 20 năm, “nàng Juliet của Myanmar” luôn đối mặt với thực tế khắc nghiệt: Hoặc giam mình trong căn nhà hương hỏa nhưng không khác gì nhà tù hoặc đoàn tụ với gia đình ở Oxford để không bao giờ có cơ hội trở lại quê hương. Bà giải thích: “Dĩ nhiên, tôi hiểu quan hệ giữa tôi với gia đình sẽ thay đổi rất lớn khi tôi quyết định không trở lại London sum họp với chồng con. Và một khi đã quyết thì phải sẵn sàng chấp nhận hậu quả...”.

Bà Suu chưa bao giờ nghĩ đến chuyện rời bỏ quê hương. Chồng bà cũng hiểu vì sao bà không thể làm điều đó. Thật vậy, Michael Aris chưa bao giờ yêu cầu vợ trở về với ông và các con mặc dù chỉ gặp được mặt vợ vỏn vẹn 5 lần trong 10 năm cuối đời. Ngay cả lúc sắp chết, người ta cũng khước từ không cho “Romeo” gặp lần cuối “nàng Juliet”...

 

Niềm an ủi từ 2 con

Lúc còn bé, Kim không hiểu tại sao mẹ Suu bỏ gia đình ở miết tại quê ngoại: “Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm, hãy về với con đi”. Lớn lên, Kim mới tự trả lời được câu hỏi của mình: “Bà ấy là người thật sự mạnh mẽ. Ngay cả trong lúc buồn rầu, bà cũng biết cách ghìm nó trong lòng, không phung phí thời gian vào chuyện khóc than”.

Không chỉ thiếu mẹ, Alex và Kim còn bị tra tấn về mặt tinh thần khi chính quyền quân sự Rangoon tiến hành chiến tranh tâm lý bôi nhọ uy tín bà Suu. Chẳng hạn như họ gọi bà Suu là “bogadaw”, tức là “vợ người nước ngoài”. Họ nói bà đã quay lưng lại với chính đồng bào mình. Chồng bà Suu là người Anh, công dân cựu thực dân Anh mà cha bà Suu từng chiến đấu chống lại. Cả Alex và Kim đều bị tước quốc tịch Myanmar, đồng nghĩa với bị “chặn đường về nước”.

Tình thế trên buộc Alex và Kim đề cao cảnh giác. Nếu phạm bất cứ sai lầm nào, dù nhỏ, bà Suu cũng có thể lâm nguy. Do đó, trong nhiều năm liền họ từ chối trả lời phỏng vấn báo chí. Riêng Kim Aris chỉ phá lệ một lần, trả lời phỏng vấn của nhà báo William Langley trên tạp chí phụ nữ Úc Weekly năm 2004: “Myanmar được tự do là điều quan trọng nhất đối với mẹ tôi. Tôi phải tôn trọng điều đó. Thật quá khó đối với tôi nhưng tôi tự hào khi bà quyết định như vậy”. Lúc đó Kim sống ẩn dật ở Oxford với nghề thợ mộc. Anh cưới vợ là Rachel Jefferies và có 2 con: James, năm nay 17 tuổi và Jasmine, 13 tuổi. Hiện nay, Kim và Rachel đường ai nấy đi. Các con ở với Rachel vì Kim không đủ điều kiện bắt con về nuôi.

Còn Alexander Aris hiện sống ẩn dật bên Mỹ sau khi mẹ con trùng phùng cuối năm 2010 và vẫn liên lạc thường xuyên với bà Suu. Tốt nghiệp bằng cử nhân triết học, anh gia nhập cộng đồng Phật giáo ở TP Portland, bang Oregon. Alex ăn chay trường, đi lại bằng xe đạp. Anh sống chung với 3 người bạn là Phật tử trong căn nhà 2 tầng xây cất theo kiểu mẫu thời 1920. Nhà không xài tủ lạnh hay máy giặt. Alex nấu cơm bằng lò củi, giặt đồ bằng tay.

May mắn thay, dù Alex chọn cách sống tự lập xa mẹ song bà Suu vẫn còn đứa con trai út bên cạnh. Mấy năm nay, Kim Aris sống với mẹ, cùng tranh đấu cho phong trào dân chủ ở Myanmar cho đến ngày thắng lợi.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo