Charles Jenkins, binh sĩ Mỹ trốn sang Triều Tiên, đã qua đời tại quê vợ ở Nhật Bản vì bệnh tim hôm 11-12, ở tuổi 77.
Quyết định sai lầm
Trước khi đào ngũ, Jenkins, quê ở thị trấn Rich Square, bang North Carolina - Mỹ, đóng quân tại khu phi quân sự (DMZ) giữa 2 miền Triều Tiên. Một đêm mùa đông tháng 1-1965, sau khi nốc 10 chai bia và cảm thấy chán nản, viên trung sĩ 24 tuổi đã vượt qua biên giới với chiếc áo thun trắng quấn quanh khẩu súng trường và đầu hàng lính gác Triều Tiên.
Về sau, ông ta gọi quyết định chạy trốn của mình là sai lầm lớn nhất cuộc đời, dẫn đến hàng chục năm sống thiếu thốn và gian khổ ở đất nước khó khăn này. Jenkins kể lúc đó ông ta sợ rằng mình có thể trúng đạn trong lúc đi tuần hoặc tệ hại hơn là có thể bị đưa sang chiến trường nào đó rồi bỏ mạng...
Trong suốt gần 40 năm, Jenkins sống như một tù nhân ở Bình Nhưỡng cho đến khi trở thành người tự do nhờ vợ ông - Hitomi Soga, một trong những công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc. Thoạt đầu, Jenkins bị nhốt trong một căn phòng đơn cùng với 3 lính Mỹ khác đã đào ngũ từ năm 1962... Đến năm 1972, họ được cấp nhà riêng và được tuyên bố là công dân Triều Tiên mặc dù vẫn còn bị giám sát.
Họ buộc phải dạy tiếng Anh ở một trường quân sự (nơi cuối cùng đã sa thải Jenkins vì ông nói giọng miền Nam) và được lệnh đóng vai những người Mỹ ác độc trong loạt phim tuyên truyền "Unsung Heroes" (tạm dịch: Những anh hùng không được ca ngợi) gồm 20 phần - công việc này đã làm cho họ một thời trở thành người nổi tiếng. Jenkins đóng vai tiến sĩ Kelton, một người Mỹ hiếu chiến có mục đích duy trì cuộc chiến tranh Triều Tiên để làm lợi cho các nhà sản xuất vũ khí Mỹ.
Bất ngờ hơn nữa, 4 lính Mỹ nói trên bị ép kết hôn với 4 phụ nữ nước ngoài bị bắt cóc đến Triều Tiên. Năm 1980, ông Jenkins, khi đó 40 tuổi, phải sống chung với Soga, 21 tuổi. Cô gái này bị bắt cóc từ đảo Sado, ngoài khơi bờ biển phía Tây Nhật Bản, 2 năm trước đó khi đang là một y tá.
Tạp chí Newsweek cho biết Soga là 1 trong 17 công dân Nhật Bản bị bắt cóc theo thừa nhận chính thức của Triều Tiên. Soga bị bắt để làm giáo viên dạy tiếng Nhật và lối cư xử của người Nhật cho điệp viên Triều Tiên. Khi đó, ông Jenkins tin rằng Triều Tiên gán ghép họ với nhau vì nước này muốn có một thế hệ điệp viên giống người phương Tây để ra nước ngoài hoạt động.
Ông Charles Jenkins và vợ, bà Hitomi Soga, đến sân bay Haneda ở Tokyo - Nhật Bản hôm 18-7-2004 Ảnh: REUTERS
Như trong cổ tích
Sau khi gặp nhau, Jenkins cho biết ông đã cố hết sức để làm cho người vợ tương lai của mình cảm thấy an toàn, được bảo vệ và được tôn trọng. Mỗi đêm trước khi đi ngủ, Jenkins đều trao cho Soga 3 nụ hôn và nói lời chúc ngủ ngon bằng tiếng Nhật và nhận lại lời chúc bằng tiếng Anh từ cô. "Làm như vậy để nhắc nhở mình không bao giờ quên chúng tôi thực sự là ai và từ đâu đến" - Jenkins viết trong hồi ký. Theo đài BBC, mối quan hệ của họ khởi đầu trong tăm tối, kỳ lạ và khép lại bằng một chuyện tình đẹp.
Trước khi 2 người kết hôn năm 1980, Jenkins đã có 15 năm cô đơn ở Bình Nhưỡng. "Tôi chưa bao giờ thấy người nào đẹp đến thế. Cô ấy mặc chiếc áo trắng, váy trắng và đi đôi giày cao gót màu trắng. Ở giữa môi trường cũ kỹ, bẩn thỉu đó, cô ấy như bước ra từ giấc mơ hoặc đến từ một hành tinh khác" - Jenkins kể lại.
Thoạt tiên, cô khước từ lời cầu hôn của anh nhưng cuối cùng đã đồng ý sau khi Jenkins thuyết phục rằng ngay cả nếu như họ chưa yêu nhau, thì việc lấy anh ít nhất cũng bảo đảm rằng chắc chắn cô được an toàn, hơn là không biết sau này cô sẽ bị đưa đi đâu. Điều lạ lùng là cặp đôi này chẳng có điểm gì chung khi mới cưới nhưng dần dần họ đã phải lòng nhau và 2 đứa con lần lượt chào đời - Mika và Brinda, nay đều trong độ tuổi 30.
Đến năm 2002, một diễn biến đặc biệt đã làm thay đổi cuộc đời họ: Chủ tịch Triều Tiên lúc đó Kim Jong-il thừa nhận nước này đã bắt cóc 13 công dân Nhật Bản trong 2 thập niên 1970 và 1980. Ông Kim Jong-il cho biết 8 người trong số đó đã chết nhưng đồng ý cho phép 5 người còn sống được trở về Nhật Bản (dù Tokyo nghi ngờ thông tin này) trong chuyến đi kéo dài 10 ngày. Đó là 2 cặp vợ chồng và Hitomi Soga. Dĩ nhiên, sau khi về Nhật, họ không bao giờ trở lại Bình Nhưỡng.
Đến năm 2004, sau khi được phép rời Triều Tiên đến Indonesia để gặp vợ, ông Jenkins chấp nhận đối mặt nguy cơ ra tòa án quân sự để trở về Nhật Bản đoàn tụ với người nhà. Rốt cuộc, ông chỉ bị kết án 30 ngày vì tội đào ngũ nhưng được phóng thích sớm 5 ngày. Người ta tin rằng ông được khoan hồng vì chia sẻ toàn bộ những gì mình biết về Triều Tiên. Sau khi ra tù, ông tìm được việc làm tại một điểm du lịch trên đảo Sado và ở đó cho đến ngày từ giã cõi đời.
Trong những năm cuối đời, Jenkins chia sẻ ông đã sai lầm khi chạy sang Triều Tiên nhưng hoàn toàn đúng đắn khi liều mình đối mặt nguy cơ bị ra tòa án binh Mỹ và "chết rục xương trong tù" (vì tội đào ngũ) để đưa các con gái rời khỏi đất nước bí ẩn nhất thế giới. Ông tâm sự mình luôn bị ám ảnh với suy nghĩ các con đã bị Triều Tiên đào tạo để làm gián điệp.
Bình luận (0)