Cuộc khảo sát trên mạng ifeng.com mang tên “Ngô Anh không đáng tội chết” đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Hầu hết đều đồng tình rằng án tử hình là bất công trong khi nhiều vị quan to gây thiệt hại cho nhà nước những số tiền “khủng” chỉ bị phạt nặng nhất là án chung thân. Theo Nhật báo Trung Quốc, có đến 64% trong số 398.885 phản hồi nói án tử hình là quá nặng đối với nữ doanh nhân trẻ Ngô Anh.
Những góc khuất
Một trong những điểm gây thắc mắc nhất là chuyển đổi tội danh của bị cáo Ngô Anh từ huy động vốn bất hợp pháp (có mức án tối đa là 15 năm tù) chuyển thành lừa đảo tài chính (với mức án tối đa là tử hình).
Tháng 2-2007, khi bắt giam Ngô Anh, Công an thành phố Đông Dương giải thích nữ doanh nhân thành đạt này can tội huy động vốn trái phép. Giam cầm bị cáo suốt 2 năm để tiến hành điều tra, tháng 4-2009, tòa sơ thẩm Kim Hoa mới xử án. Bị cáo Ngô Anh ra tòa với tâm thế đón nhận 10 hoặc 15 năm tù về tội huy động vốn bất hợp pháp. Cô không ngờ tội danh của mình đã bị chuyển thành tội lừa đảo tài chính với số tiền lên đến 770 triệu nhân dân tệ (NDT), trong đó cô đã trả được 386 triệu NDT. Kết quả, bị cáo tỉ phú bị kết án tử hình, một bản án hiếm thấy trong các vụ án kinh tế dân sự.
Nhật báo khổ nhỏ Thời báo Hoàn cầu của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết trong thời gian bị giam, để đoái công chuộc tội được giảm án, Ngô Anh khai thật do cần tiền để làm ăn đã hối lộ và vay tiền với lãi suất “cắt cổ” của 137 người, trong đó có 103 người cho vay hơn 500.000 NDT. Trong số này có 17 quan chức có địa vị cao ăn hối lộ của cô. Sau đó, có 3 quan tham bị bắt. Trong đó có cựu chủ tịch Hội đồng Nhân dân Kinh Môn và cựu phó chủ tịch Chi nhánh Kinh Môn của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc.
Theo bị cáo Ngô Anh, những chủ nợ có chức có quyền nói trên rất khó tính, không ngần ngại dùng thế lực xã hội đen để trừng phạt nếu trả lãi không đúng hạn. Tháng 12-2006, tức 2 tháng trước khi bị bắt, nữ doanh nhân Ngô Anh từng bị đe dọa “xin tí huyết”, bị “xiết nợ” và thậm chí bị bắt cóc.
Đa số cư dân mạng Trung Quốc nói Ngô Anh không đáng tội chết. Ảnh: AP
Điều đáng nói là theo Thời báo Hoàn cầu, chính quyền đã không công bố toàn bộ danh sách các quan chức ăn hối lộ cho vay nặng lãi. Bởi vậy, có dư luận tin rằng một số quan tham e sợ bị Ngô Anh lật mặt đã tìm cách “diệt khẩu”. Trên tờ Nhật báo Thanh niên Trung Quốc số ra ngày 14-4-2011, nhà báo Vương Thạch Xuyên đã từng nêu câu hỏi: “Phải chăng một số vị muốn Ngô Anh phải chết vì không muốn lộ hành vi bất chính?”.
Có người nói với ông Ngô Vĩnh Chính, cha cô Ngô Anh, rằng trước khi tòa sơ thẩm Kim Hoa xử án, hơn một chục quan chức chính quyền Đông Dương viết thư tay yêu cầu ông chánh án xử tội chết bị cáo. Ông Chính hỏi ông chánh án chuyện này có thật hay không thì không được xác nhận hay phủ nhận. Và sau đó đơn kháng án của Ngô Anh bị tòa án các cấp tỉnh Chiết Giang bác bỏ.
Phát mãi quá rẻ
Nhật báo Thượng Hải số ra ngày hôm qua, 10-2, phản ánh thắc mắc của công chúng về khoản nợ của nhà tỉ phú trẻ Ngô Anh. Dư luận cũng nghi ngờ Công an thành phố Đông Dương quản lý tài sản của bị cáo không tốt.
Trong khi chờ đợi Tòa án Tối cao Trung Quốc xem xét lại bản án tử hình đối với Ngô Anh, đã có một cuộc tranh luận lớn về việc công an có phóng đại các khoản nợ của bị cáo Ngô Anh hay không để tăng án, đồng thời định giá thấp tài sản của bị can để phát mãi với “giá rẻ bất ngờ” làm lợi cho một số người.
Bị cáo Ngô Anh tại phiên tòa ngày 16-4-2009 sơ thẩm. Ảnh: China Daily
Ngay lập tức có dư luận cho rằng tài sản của Ngô Anh đã bị bí mật xà xẻo. Một khách sạn hạng trung mà chỉ bán được 4,5 triệu NDT và các xe hơi hạng sang bán ra trung bình chỉ có 130.000 NDT/xe là quá thấp so với giá thị trường, trong khi người mua là ai thì không được tiết lộ danh tính.
Bởi vậy, khi Công an thành phố Đông Dương tuyên bố toàn bộ số tiền phát mãi và những tài sản còn lại, trong đó có một lượng lớn nữ trang, chủ yếu là ngọc phỉ thúy trị giá hơn 100 triệu NDT, vẫn “còn nguyên”, được ký gửi vào tài khoản ngân hàng và được quản lý rất chặt chẽ thì dư luận vẫn bán tín bán nghi.
Kỳ tới: Những hệ lụy về kinh tế
Bình luận (0)