Dư luận vẫn còn lờ mờ về những gì Mỹ sẽ làm để đối phó với mối đe dọa đóng eo biển chiến lược Hormuz, nhưng các giới chức Mỹ chắc chắn rằng Washington đang sẵn sàng cho một cuộc xung đột hải quân có thể xảy ra. Đó là điểm nóng mới nhất trong quan hệ Mỹ- Iran và là một trong những điểm nóng nghiêm trọng nhất. Mặc dù vấn đề eo biển Hormuz đang che khuất mối đe dọa chiến tranh từ chương trình hạt nhân của Tehran, cả hai cuộc khủng hoảng này làm tăng khả năng dẫn đến một cuộc chạm súng trong năm nay.
“Chúng ta phải bảo đảm chúng ta sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào và có trên bàn tất cả mọi lựa chọn” - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói khi trả lời câu hỏi của các binh sĩ ở căn cứ Fort Bliss, bang Texas, về nguy cơ chiến tranh với Iran. Ông liên kết hai cuộc khủng hoảng, nói rằng xuất hiện loại vũ khí hạt nhân nào đó của Iran là một “giới hạn đỏ” mà Mỹ sẽ không cho phép vượt qua; và “giới hạn đỏ” thứ hai là việc đóng eo biển Hormuz.
Giới quan sát cho rằng xem xét một số lý do, nguy cơ xung đột với Tehran xuất hiện trong năm bầu cử này cao hơn bất cứ thời điểm nào bởi lẽ Tổng thống Obama đã cam kết khi đặt chân vào Nhà Trắng rằng sẽ nỗ lực xóa bỏ sự thù hằn giữa hai nước kéo dài 30 năm. Mỹ vẫn hy vọng rằng áp lực quốc tế sẽ thuyết phục Iran từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi, nhưng chế độ Hồi giáo Tehran không cho thấy dấu hiệu họ sẽ sẵn sàng từ bỏ một công trình lớn đã trở thành niềm tự hào dân tộc. Có một quả bom hạt nhân, hoặc khả năng sớm chế tạo ra nó, cũng có thể đáng giá hơn nhiều đối với Iran như một lợi thế để mặc cả, hãng tin AP nhận định.
Lập trường của Mỹ vẫn không thay đổi, nghĩa là một cuộc tấn công quân sự vào những cơ sở hạt nhân được biết đến của Iran có thể gây rắc rối, bởi hậu quả của nó sẽ khó lường và chỉ có thể làm ngưng trệ, chứ không chấm dứt được cuộc săn đuổi vũ khí hạt nhân của Iran. Sự đồng thuận về vấn đề này trong giới lãnh đạo quân sự và các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã có từ 5 năm nay. Nhưng suốt thời gian đó, mọi thứ đã thay đổi nhanh: Iran tiến gần hơn đến một quả bom tiềm tàng, Israel lớn tiếng đe dọa chặn đứng trái bom đó bằng mọi cách trong khi ảnh hưởng của Mỹ đối với Israel thì suy yếu rõ.
Theo một giới chức Mỹ giấu tên, cho dù Washington phản đối, Tel Aviv vẫn sẽ hành động theo cách riêng của mình và có thể không thông báo trước với Mỹ nếu họ quyết định tấn công Iran. Chính quyền Obama rất lo ngại về tuyên bố của Iran rằng nước này đang mở rộng các hoạt động hạt nhân với nhiều tiến bộ về kỹ thuật, bởi điều đó cũng có nghĩa là Israel không còn đủ kiên nhẫn.
Bình luận (0)