Ông Navarro, cố vấn thương mại của Tổng thống Trump, trả lời phỏng vấn trên Fox Business vào sáng 13-11 (giờ địa phương): "Chúng tôi đang hoạt động tại Nhà Trắng với giả định rằng sẽ có một nhiệm kỳ thứ hai dành cho Tổng thống Trump".
Sau đó, ông Navarro phát biểu tiếp: "Những gì chúng tôi muốn ở đây là những lá phiếu được xác minh, chứng nhận và một cuộc điều tra về những cáo buộc gian lận ngày càng tăng theo bản khai có chữ ký của các nhân chứng. Nếu mọi người nhìn vào thống kê những gì xảy ra, rõ ràng tổng thống đã thắng cuộc bầu cử này, đã dẫn đầu vào ngày bầu cử (3-11). Sau ngày bầu cử, bằng cách nào đó ở các bang chiến trường quan trọng, họ có đủ số phiếu để bắt kịp tổng thống".
Mặc dù các quan chức bầu cử quốc gia, bang và tư nhân mô tả cuộc bầu cử ngày 3-11 là cuộc bầu cử "an toàn nhất" trong lịch sử nước Mỹ, ông Navarro vẫn tuyên bố: "Giả định của chúng tôi là nhiệm kỳ Trump thứ hai. Chúng tôi nghĩ rằng ông ấy đã thắng cuộc bầu cử đó". Tuy nhiên, ông từ chối cung cấp bằng chứng pháp lý để chứng minh cáo buộc "gian lận phiếu bầu".
Ông Navarro (trái) và Tổng thống Trump. Ảnh: AP
Cuối tuần trước, truyền thông Mỹ bao gồm đài CNN dự đoán ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 sau khi giành được bang Pennsylvania, vượt qua 270 phiếu đại cử tri cần thiết để đắc cử.
Đài CNN cũng dự đoán ông Biden thắng ở bang Arizona, đưa số phiếu đại cử tri của ông lên 290. Tổng thống Trump hiện có 217 phiếu đại cử tri. Đài CNN vẫn chưa dự đoán người chiến thắng ở hai bang Georgia và Bắc Carolina.
Tại Georgia, tính đến sáng 13-11, ông Biden đang dẫn trước với hơn 14.000 phiếu bầu. Tổng thư ký bang này Brad Raffensperger thông báo sẽ kiểm lại toàn bộ phiếu trước thời hạn chót ngày 20-11.
Tại Bắc Carolina, với khoảng 98% số phiếu dự kiến được kiểm, ông Trump đang dẫn trước 71.000 phiếu phổ thông.
Theo đài CNN, về mặt pháp lý, ông Trump không cần phải phát biểu nhận thua (nếu ông Biden chính thức thắng cử). Nhưng thông thường trong bầu cử Mỹ, người thua thường thẳng thắn thừa nhận và chúc mừng người thắng.
Chẳng hạn bà Hillary Clinton gọi điện cho ông Trump và thừa nhận thất bại vào năm 2016. Trước đó, vào năm 2008, ông John McCain có cách nhận thua rất khẳng khái. Ông nói với người ủng hộ: "Tôi vừa có vinh hạnh gọi điện cho Thượng nghị sĩ Barack Obama để chúc mừng ông ấy đã được bầu làm tổng thống tiếp theo của đất nước mà cả hai chúng tôi đều yêu quý".
Năm 2000 kịch tính hơn hẳn, đầu tiên ông Al Gore (đảng Dân chủ) gọi điện cho đối thủ George W. Bush (Cộng hòa) vào đêm bầu cử để nhận thua nhưng sau đó gọi lại để hủy nhận thua khi nhận thấy kết quả ở bang Florida quá sít sao. 36 ngày sau, cuối cùng ông Gore thừa nhận thất bại sau khi Tòa án Tối cao ra phán quyết dừng đếm phiếu lại và tuyên bố ông Bush là người chiến thắng. Ông Gore còn có bài phát biểu hàn gắn trước cả nước khi người ủng hộ ông nổi giận vì kết quả bầu cử.
Bình luận (0)