Hầu hết các bạn trẻ Việt Nam đang ở Nhật đều ở độ tuổi từ 18-30. Đây là lứa tuổi đang dần phải bước ra xã hội, tìm cho mình công việc và xây dựng cuộc sống tự lập riêng.
Trong giai đoạn này, kể cả khi ở Việt Nam được gần gũi với gia đình và bạn bè, các bạn trẻ vẫn thường trải qua những giai đoạn khó khăn với nhiều lần thất bại và thất vọng trong cuộc sống.
Nhưng khi ở nước ngoài, những khó khăn này tăng lên nhiều lần do những hỗ trợ về tinh thần đã vơi đi đáng kể. Thêm vào đó, những khác biệt về văn hóa, những thay đổi và thách thức mới trong công việc và cuộc sống càng khiến áp lực nặng nề hơn với họ.
Trong công việc của mình (*), tôi có nhiều cơ hội lắng nghe tâm tư của các bạn trẻ. Khó khăn của họ đến từ rất nhiều nguồn, phổ biến là áp lực kinh tế từ gia đình, áp lực học hành thi cử, áp lực xin việc và ổn định cuộc sống ở những thành phố đắt đỏ…
Ngoài ra còn có những lo lắng trong việc đăng ký và duy trì thị thực, tâm trạng chông chênh sau những đứt gãy trong quan hệ cũ và tạo dựng quan hệ mới… Sức ép còn khởi nguồn từ những bất ổn nội tại mặc dù chính các bạn trước đây từng là người ưa thử thách.
Cô Bế Minh Nhật đang tư vấn tâm lý trực tuyến cho người Việt tại Nhật Ảnh: NHK
Nhiều trường hợp áp lực tới mức không thể ăn ngủ trong nhiều ngày liền, dẫn tới học tập và công việc không suôn sẻ. Bị cuốn trong vòng xoáy tiêu cực không tự thoát ra được, nhiều bạn không tìm được người để chia sẻ, vì những mối quan hệ thân thiết ở Việt Nam giờ đây không thể đem lại lời khuyên hay sự trợ giúp cần thiết cho những vấn đề mới ở Nhật nữa.
Nhiều bạn thu mình lại, nảy sinh nhiều cảm xúc tiêu cực như chán ghét cuộc sống xung quanh, day dứt không biết nên ở lại hay về nước hoặc nếu trở về thì có thể tìm được nơi thực sự gọi là nhà hay không.
Trong khi đó, việc trị liệu tâm lý dành cho người nước ngoài ở Nhật còn khá hạn chế. Nếu đến bệnh viện, các bạn thường được cho thuốc bình thần hoặc thuốc chống trầm cảm. Nhờ thuốc, các bạn ăn ngủ tốt hơn, tâm trạng ổn định để duy trì nhịp sống thường ngày.
Tuy vậy, các vướng mắc vẫn còn đó nên đôi khi các bạn rơi vào tâm trạng lo âu, căng thẳng cao hơn khi hết thuốc. Các liệu pháp không sử dụng thuốc như tư vấn tâm lý lại thường yêu cầu khả năng tiếng Nhật rất tốt, vì các vấn đề về cảm xúc rất khó diễn đạt ngay cả bằng tiếng mẹ đẻ.
Cuộc sống nơi đất khách quê người gặp phải vô số khó khăn, sự hỗ trợ và chia sẻ từ người thân tiếp sức rất nhiều cho những bạn trẻ như trên. Về phần các bạn, mong rằng các bạn hãy ngừng những tính toán đơn thuần rằng sang Nhật hay đi nước này nước kia vài năm sẽ mất bao nhiêu tiền và thu về bao nhiêu tiền.
Xin hãy suy nghĩ kỹ hơn về những gì mình cần học, cần trau dồi, những khó khăn, thử thách của mình là gì để biến một vài năm đó thành khoảng thời gian thực sự có ý nghĩa cho sự trưởng thành của bản thân.
Một số trung tâm hỗ trợ sức khỏe tinh thần bằng tiếng Việt tại Nhật Bản
- Đường dây nóng Yorisoi.
- Trung tâm giải đáp thông tin y tế quốc tế AMDA.
- Tổ chức quản lý thực tập sinh OTIT.
- Hội hỗ trợ Nhật Việt Tomoiki.
(Theo đài NHK)
(*) Tác giả đang làm việc tại MPKEN, một tổ chức phi lợi nhuận của Nhật Bản với nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên và thanh niên Việt Nam sinh sống tại nước này. Từ năm 2021, cô bắt tay thực hiện thêm dự án Tomorrow.Care chuyên hỗ trợ tâm lý trực tuyến dành riêng cho người Việt ở Nhật.
Bình luận (0)