Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết 1 triệu người đã tử vong vì dịch Covid-19 trong năm nay và gọi đây là một "cột mốc bi thảm". Theo số liệu của WHO hôm 25-8, kể từ khi đại dịch bùng phát cách đây hơn 2 năm rưỡi, hơn 6,4 triệu ca tử vong vì Covid-19 được ghi nhận trên toàn cầu.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi chính phủ các nước tăng cường nỗ lực tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 cho tất cả đội ngũ nhân viên y tế, người cao tuổi và những người có nguy cơ cao, hướng đến đạt mục tiêu tiêm bao phủ 70% dân số.
Tổng giám đốc WHO cho rằng các số liệu mới về số ca tử vong cho thấy thế giới không giống như đang "học cách chung sống" với Covid-19.
Ông Tedros cho biết WHO mong muốn tất cả các nước có thể đạt được mục tiêu phủ rộng vắc-xin vào cuối tháng 6 nhưng có 136 nước không thể hoàn thành mục tiêu và có đến 66 nước chỉ đạt tỉ lệ tiêm bao phủ dưới 40% dân số.
Tổng giám đốc WHO cho biết đến nay còn 1/3 dân số thế giới chưa tiêm chủng, trong đó gồm 2/3 số nhân viên y tế và 3/4 số người cao tuổi ở các nước có thu nhập thấp.
Ông Tedros cho rằng nhiệm vụ của tất cả quốc gia là tăng cường tiêm chủng cho những người có nguy cơ cao nhất, bảo đảm các bệnh nhân được tiếp cận phương pháp điều trị, xét nghiệm và giải trình tự gien, cũng như đưa ra các chính sách phù hợp, tương xứng để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh và cứu sống nhiều bệnh nhân.
Nhân viên y tế chuẩn bị vắc-xin ngừa đậu mùa khỉ tại Trung tâm Y tế công Abrams ở TP Tucson, bang Arizona - Mỹ hôm 20-8 Ảnh: REUTERS
Theo báo cáo mới nhất của WHO, số ca mắc biến thể Omicron chiếm 99% số ca nhiễm mới ghi nhận trong 30 ngày qua, trong đó biến thể BA.5 chiếm 74% số ca nhiễm mới.
Cũng theo báo cáo của WHO được công bố hôm 25-8, số ca mắc đậu mùa khỉ được ghi nhận trên toàn cầu đã giảm 21% trong tuần trước, đảo ngược xu hướng tăng liên tục trong suốt một tháng qua và là dấu hiệu cho thấy đợt bùng phát tại châu Âu có thể đã bắt đầu suy giảm.
Tính từ cuối tháng 4, thế giới đã có tổng cộng hơn 45.000 ca nhiễm tại 98 quốc gia. Số ca nhiễm tại châu Mỹ chiếm 60% tổng số ca trong tháng trước trong khi số ca tại châu Âu chiếm khoảng 38%.
Theo hãng tin AP, số ca nhiễm tại châu Mỹ có xu hướng tiếp tục tăng mạnh. Trong khi đó, châu Phi ghi nhận nhiều ca tử vong nghi do mắc bệnh đậu mùa khỉ nhất nhưng châu lục này lại không có nguồn cung cấp vắc-xin nào ngoài một lượng rất ít đang được thử nghiệm trong một nghiên cứu ở Congo.
Nhà sản xuất vắc-xin Bavarian Nordic của Đan Mạch thông báo đã ký kết thỏa thuận với WHO để tạo điều kiện thuận lợi phân phối vắc-xin ngừa đậu mùa khỉ tới khu vực Mỹ Latin và Caribe. Cho đến nay, sản phẩm của Bavarian Nordic là vắc-xin phòng đậu mùa khỉ duy nhất được cấp phép.
Công ty này cho hay họ sẽ thực hiện việc bàn giao các lô vắc-xin tới khu vực trên trong tháng 9. Hồi tuần trước, Bavarian Nordic cũng công bố thỏa thuận với nhà sản xuất vắc-xin của Mỹ là Grand River Aseptic Manufacturing (GRAM) để tăng cường sản xuất khi nhu cầu trên thế giới tăng cao.
Theo kế hoạch, GRAM sẽ bắt đầu sản xuất vắc-xin của đối tác Đan Mạch vào cuối năm nay. Lo sợ mắc bệnh, hàng trăm người châu Âu đã vượt qua biên giới để tiêm vắc-xin đậu mùa khỉ, làm dấy lên lời kêu gọi giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong việc phân bổ vắc-xin giữa các quốc gia.
Chẳng hạn, Bỉ chỉ có 3.000 liều nhưng Pháp lại có đến hơn 53.000 liều để sử dụng trong nước. Chính vì vậy, trong suốt mùa hè, nhiều người Bỉ đã qua Pháp để được tiêm ngừa.
Sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn cung vắc-xin đã thúc đẩy các tổ chức và chuyên gia y tế trên khắp châu Âu kêu gọi cần có các thỏa thuận ngoại giao mới để chia sẻ nguồn vắc-xin này cho các quốc gia có nhu cầu.
Bình luận (0)