Hồi năm 1972, thời điểm mà cả Nhà Trắng và nền kinh tế Ý căng thẳng cao độ, cố Tổng thống Mỹ Richard Nixon từng tuyên bố không thèm quan tâm chút nào đến đồng lira. Đây là dấu hiệu cho thấy Ý bị gạt ra bên lề các mối quan tâm lớn của thế giới.
Tình hình nay đã khác. Đồng lira đã thành quá khứ, việc Ý gia nhập khu vực đồng euro vào ngày 1-1-1999 khiến các cường quốc buộc phải quan tâm tới nước này. Sau khi Anh chính thức ra đi, Ý sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 trong Liên minh châu Âu (EU), đứng thứ 8 trên thế giới với GDP danh nghĩa gần 2.200 tỉ USD, có 60 triệu dân, là một thành viên của NATO và nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7). Nếu không trả được khoản nợ công lên đến hơn 2.600 tỉ USD, Ý có thể không được "cứu" như Hy Lạp. Tuy nhiên, vấn đề giải thoát Ý ra khỏi chính rắc rối của nước này đang đặt ra ngay trước mắt những thành viên EU khác.
Không chỉ vậy, họ còn phải đối diện cơn ác mộng mang tên chính phủ liên minh mới của Ý - là sự kết hợp giữa 2 đảng. Một là Phong trào Năm sao (M5S), do danh hài Beppe Grillo thành lập vào năm 2009, nhận được tỉ lệ phiếu bầu cao nhất trong cuộc tổng tuyển cử hôm 4-3 vừa qua. Quan điểm của họ là internet hỗ trợ dân chủ trực tiếp, làm cho quốc hội và các nghị sĩ trở nên lỗi thời.
Tuy nhiên, thay cho một kế hoạch cách mạng lớn, M5S lại áp dụng một loạt chính sách dân túy tốn kém - bao gồm cung cấp thu nhập cơ bản. Thủ lĩnh 31 tuổi của M5S, ông Luigi di Maio, tin rằng việc theo đuổi biện pháp tăng chi tiêu có thể thách thức EU, hồi sinh sự thịnh vượng của đất nước và giải tỏa nỗi bất mãn của cử tri (vốn mang về cho đảng của ông gần 1/3 tổng số phiếu bầu).
Tổng thống Sergio Mattarella (trái) gặp ông Carlo Cottarelli tại Dinh Tổng thống Quirinal ở thủ đô Rome - Ý hôm 28-5. Ảnh: REUTERS
Đảng còn lại trong liên minh cầm quyền là Liên minh Cực hữu. Trước đây, họ kêu gọi độc lập cho miền Bắc giàu có và bỏ rơi miền Nam nghèo khó của nước Ý. Từ khi ông Matteo Salvini nắm quyền kiểm soát vào tháng 12-2013, Liên minh Cực hữu đổi sang quan điểm chống nhập cư, hoài nghi châu Âu và trở thành một đảng theo chủ nghĩa dân tộc.
Những chính sách này đem lại cho họ khoảng 17% số phiếu phổ thông, dẫn trước 3 điểm % so với Đảng Nước Ý tiến lên của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, qua đó giúp ông Salvini giành quyền lãnh đạo khối cánh hữu. Tuy nhiên, ông Salvini đã quay lưng với cựu Thủ tướng Berlusconi để liên kết với M5S. Thỏa thuận chung giữa hai đảng đã ghi nhận ý định của ông Salvini về việc trục xuất 500.000 người nhập cư bất hợp pháp ở Ý cũng như quyền theo đuổi đường lối tăng trưởng kinh tế bất chấp những giới hạn do EU đặt ra.
Phần lớn tương lai nước Ý giờ đây phụ thuộc vào quyết tâm theo đuổi chương trình nghị sự đã được thống nhất của ông Salvini và De Maio. Không thể đồng thuận ai trong hai ông trở thành thủ tướng, cả hai chọn ông Giuseppe Conte, một chuyên gia luật thuộc Trường ĐH Florence không có kinh nghiệm chính trường, vào vị trí trên.
Ông Conte đứng đầu một nội các hầu hết đã được hai nhà lãnh đạo trên chọn sẵn cùng một chương trình làm việc mà ông không góp phần xây dựng. Tuy nhiên, ông Conte đã tuyên bố từ chức sau khi không thành lập được chính phủ mới. Thay vào đó, Tổng thống Sergio Mattarella yêu cầu cựu giám đốc các vấn đề tài chính tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Carlo Cottarelli, làm thủ tướng lâm thời hôm 28-5.
Ê kíp mới nói trên gần như không có kinh nghiệm điều hành đất nước, nay lại phải đối mặt những cảnh báo, áp lực và sự phản đối ngày càng tăng từ các thành viên EU, Ủy ban châu Âu (EC) và ngay trong lòng nước Ý. Tổng thống Mattarella đã vạch ra lằn ranh đỏ của riêng mình: Nước Ý phải tiếp tục là thành viên của EU và cam kết hội nhập hơn nữa với khối.
Dĩ nhiên, liên minh cầm quyền hiện nay còn có các đồng minh khác bên cạnh cử tri Ý. Là chính phủ dân túy có cơ hội thành hình đầu tiên ở châu Âu, họ nhận được sự ủng hộ từ nhiều đảng phái, phong trào cùng chung chí hướng khác như Đảng Mặt trận quốc gia (FN) ở Pháp, Đảng cực hữu Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD), Đảng Dân chủ Thụy Điển, Đảng Tự do ở Hà Lan cũng như chính phủ Ba Lan và Hungary (đều đối đầu với "sự thống trị của Brussels").
EU đang phải đối mặt một loạt thách thức - từ vấn đề Brexit (Anh rời EU), từ đòn bẩy chính trị của Nga, từ các quốc gia Trung Âu gia nhập EU chủ yếu để duy trì nguồn trợ cấp lớn cho ngân sách mình và từ một tổng thống Mỹ có thể lặp lại giọng điệu của ông Nixon (nhưng không chỉ phớt lờ Ý mà còn coi nhẹ cả châu Âu).
Khát vọng về một "hợp chủng quốc châu Âu" kiểu Mỹ đang vụn vỡ và chỉ còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đơn độc nỗ lực hàn gắn. Ý không chỉ là một thành viên sáng lập của EU mà cùng với Đức, nước này xem EU là một diễn đàn giúp phát huy đường lối dân chủ và xây dựng một nền kinh tế thành công thời hậu chiến. Với cả hai mục tiêu này, Rome đều đã thành công. Nhưng đến những năm 1970, Ý bắt đầu quên cách phát triển. Năng suất giảm, tiền lương thấp, bất đồng giữa Nam - Bắc gia tăng, chính phủ chia rẽ, tỉ lệ giới trẻ thất nghiệp tăng vọt và đất nước chìm trong nợ công.
Chính phủ đang thành hình ở Ý tin rằng họ có đủ sức mạnh và sự ủng hộ để đưa đất nước quay lại tương lai tăng trưởng, nơi nước này có thể kiểm soát các đòn bẩy chính trị và kinh tế của riêng mình. Nếu họ giữ được sự điềm tĩnh và quyết tâm, Ý sẽ chuyển sang chiến lược đối đầu với một liên minh mà mình từng là thành viên sáng lập và có thể phá vỡ khối này. Đây sẽ là cuộc chiến về tương lai của châu Âu và từ đó định hình lại thế giới trong thế kỷ XXI.
Bình luận (0)