Thiếu sự chia sẻ
Chị Nobuko nói: “Trước khi có con, tôi nhớ có tháng tôi phải làm việc tới 300 giờ. Tôi đến văn phòng lúc 9 giờ và rời khỏi đó lúc 3 giờ ngày hôm sau. Đến cả thứ bảy và chủ nhật đều như vậy. Nếu bạn muốn tiếp tục làm việc, bạn phải quên bọn trẻ để cống hiến hoàn toàn cho công ty”.
Theo chị Nobuko Ito, đàn ông Nhật Bản sợ mất việc nếu nghỉ chăm vợ sinh. Ảnh: BBC
Trường hợp của Nobuko khá phổ biến cho nền văn hóa làm việc Nhật Bản ngày nay. Đó là một trong những lý do tại sao 70% phụ nữ Nhật Bản thôi đi làm khi sinh đứa con đầu tiên. Một lý do khác là vai trò của người chồng.
Nói đến việc giúp đỡ vợ làm việc nhà thì đàn ông Nhật Bản thua xa đàn ông châu Âu và châu Mỹ. Tại Thụy Điển, Đức và Mỹ, các ông chồng dành trung bình 3 giờ/ ngày để chăm sóc con và làm việc nhà. Đàn ông Nhật thì chỉ dành 1 giờ, trong đó việc chăm con chỉ có 15 phút.
Đàn ông Nhật Bản được quyền nghỉ chăm vợ sinh. Tuy nhiên, Bộ Y tế và Phúc lợi cho biết trên thực tế chỉ có 2,63% các ông bố hưởng quyền này. Chị Nobuko cho biết: “Chồng tôi không nghỉ chăm vợ đẻ. Hầu hết đàn ông Nhật đều như vậy. Đó là vì họ nghĩ rằng họ cần làm việc càng chăm chỉ càng tốt để được thăng tiến hoặc sẽ bị mất việc”.
Thú cưng nhiều hơn trẻ em
Dù phụ nữ Nhật có muốn đi làm trở lại sau khi sinh con thì họ cũng vấp phải nhiều khó khăn. Theo số liệu thống kê của chính quyền Tokyo, khoảng 20.000 trẻ em trong thành phố này đang đợi được nhận vào các trường mầm non.
Các trường mầm non công lập chất lượng rất tốt nhưng có quá ít. Dù có thể giành được một suất ở nhà trẻ công, họ cũng phải chi khá nhiều tiền. “Bạn sẽ phải trả 1.000 USD/tháng cho mỗi đứa con học trong trường mầm non công, còn trường tư thì tốn 2.000 USD. Tất nhiên là chất lượng rất tốt” - chị Nobuko nói. Tất cả những yếu tố này tạo nên 2 thực tại: phụ nữ có con thì không đi làm, phụ nữ đi làm thì không sinh con. Cả hai đều gây khó khăn cho tương lai của Nhật Bản.
Nhà kinh tế học người Mỹ gốc Nhật Kathy Matsui đề nghị chính phủ nên xem việc khuyến khích các bà mẹ tiếp tục hoặc trở lại làm việc là “ưu tiên quốc gia” nhằm giúp tăng thêm 15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Không chỉ có GDP, Matsui cho biết lý do quan trọng hơn là nước Nhật đang ngày càng thiếu người. “Dù các nước phát triển đều có tỉ lệ sinh thấp nhưng Nhật Bản có lẽ là nước duy nhất trong khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có số lượng thú cưng nhiều hơn trẻ em” - Matsui nói.
Tỉ lệ sinh thấp Tỉ lệ sinh trung bình ở Nhật chỉ là 1,37, trong khi muốn dân số bền vững thì phải đạt đến con số 2,1. Ở những nước có tỉ lệ phụ nữ đi làm thấp như Ý, Hàn Quốc và Nhật Bản, tỉ lệ sinh cũng thấp. Trong khi điều này hoàn toàn ngược lại ở châu Âu và Mỹ. |
Bình luận (0)