Người phụ nữ tên Sajida Tasneem, 38 tuổi, là một kỹ sư có trình độ học vấn cao. Vụ việc xảy ra vào lúc 13 giờ 45 phút ngày 11-6 ở thành phố Sargodha, cách thủ đô Islamabad của Pakistan 250 km về phía Nam.
Vụ việc xảy ra được cho là do cô Sajida Tasneem dự định đưa các con trở lại Úc để có một cuộc sống tốt hơn. Tranh cãi giữa hai người lên đến đỉnh điểm vào ngày 11-6. Theo các phương tiện truyền thông, Sajida Tasneem bị bịt miệng, chém bằng rìu và chết tại hiện trường.
Ông Sher Muhammad Khan - cha của Sajida Tasneem - cho biết con rể của ông (Ayub Ahmed) đã ép vợ con rời nhà ở TP Perth (bang Tây Úc) về Pakistan vào năm 2017. Tuy nhiên, theo ông Sher Muhammad Khan, khi con gái ông về Pakistan, con rể ông sau đó đã quay trở lại Perth.
Sajida Tasneem. Ảnh: Facebook
Cha chồng của Sajida Tasneem (ông Mukhtar Ahmad) tịch thu hộ chiếu của cô Tasneem, của các cháu và cấm họ quay trở lại Úc. Ông Sher Muhammad Khan kể rằng người cha chồng cứ đòi con gái ông giao hết các giấy tờ cho ông ta.
Daily Mail dẫn một báo cáo của cảnh sát địa phương cho biết ông Mukthar Ahmad "đã đe dọa cha của cô Sajida Tasneem" vì ông ấy cố gắng ngăn cản vụ tấn công.
"Ông ấy đe dọa nếu bất cứ ai đến gần, ông ấy sẽ giết họ", theo báo cáo của cảnh sát.
Vì lo sợ cho tính mạng của con gái nên ông Sher Muhammad Khan đứng im.
Cha của Sajida Tasneem chứng kiến con gái bị bịt miệng bằng vải khi cha chồng liên tục ném rác lên đầu cô.
Người dân địa phương tụ tập bên ngoài ngôi nhà sau khi biết về vụ giết người. Ảnh: Nine
Tờ Daily Mail cho biết ba người con của Sajida Tasneem bị tổn thương về tinh thần sau khi chứng kiến sự việc. Còn chồng của cô, cũng là một kỹ sư, đang làm việc ở Bahrain, không ở nhà khi vụ việc xảy ra.
Cảnh sát cho biết Mukthar Ahmad bị bắt và bị buộc tội giết người. Cảnh sát tìm thấy vũ khí tại hiện trường.
Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc xác nhận đã liên lạc được với gia đình của Sajida Tasneem và gửi lời chia buồn.
Sau vụ việc, một người bạn của Sajida Tasneem tiết lộ cô bị "đối xử như một nô lệ". Người bạn nói rằng Sajida Tasneem sống vì những đứa con, không muốn báo cảnh sát vì cô sợ phải chia tách với con cái. "Cô ấy bị đe dọa, bị đối xử như nô lệ, không có quyền riêng tư hoặc tự do, bị lạm dụng. Cô ấy không có tiền hoặc quần áo cho bản thân và cho con" – người bạn cho biết.
Bình luận (0)