Trong lễ công bố dòng 737 Max, Boeing khẳng định họ muốn áp dụng "công nghệ mới nhất vào dòng máy bay thương mại phổ biến nhất mọi thời đại: 737". Có điều, các nhà lãnh đạo Boeing không thể ngờ dòng máy bay này lại đang gây ra quá nhiều rắc rối cho họ.
"Con cưng" 737 Max
Là thế hệ thứ 4 và cũng là mới nhất của dòng Boeing 737 được sử dụng từ cuối những năm 1960, Boeing 737 Max có khả năng tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn và bay xa hơn, với 4 phiên bản được phân loại theo số 7, 8, 9 và 10. Trong số này, Boeing 737 Max 8 là phiên bản được khai thác đầu tiên và cũng là phiên bản phổ biến nhất; trong khi Boeing 737 Max 9 vừa được sử dụng tại Mỹ trong vài tháng trở lại đây, Boeing 737 Max 7 và 10 vẫn đang trong giai đoạn phát triển.
Boeing 737 là dòng máy bay được ưa chuộng nhất trong lịch sử hàng không. Tiếp nối thành công này, Boeing công bố dòng kế nhiệm 737 Max vào ngày 30-8-2011 và được Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) chứng nhận đạt tiêu chuẩn bay vào ngày 8-3-2017.
Sau lễ ra mắt Boeing 737 Max 8, Boeing nhận được tổng cộng 5.011 đơn đặt hàng từ nhiều hãng hàng không trên toàn thế giới, trong đó có 350 máy bay đã được bàn giao với giá 121,6 triệu USD/chiếc.
Bên cạnh đó, Boeing còn phát triển mẫu 737 Max 200 với một cửa thoát hiểm bổ sung và 8 ghế ngồi tăng cường. Đây là bản cải tiến của Boeing 737 Max 8 dành riêng cho hãng Ryanair (Ireland). Hãng này đã đặt mua 100 chiếc Boeing 737 Max 200 và dự kiến bắt đầu khai thác vào ngày 14-5, song kế hoạch này có thể bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm bay đối với toàn bộ dòng Boeing 737 Max.
Một chiếc Boeing 737 Max 8 của hãng Air Canada tại sân bay quốc tế Toronto Pearson - Canada. Ảnh: REUTERS
Là một trong những máy bay mới nhất của Boeing, 737 Max 8 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 29-1-2016 và chính thức gia nhập dịch vụ vận chuyển hành khách với hãng Malindo Air (Malaysia) vào ngày 22-5-2017. Với sức chứa 138-158 hành khách cùng chiều dài gần 40 m, Boeing 737 Max 8 chủ yếu được sử dụng trong các chuyến bay ngắn và trung bình.
So với những máy bay thuộc dòng 737 thế hệ trước như 737-800 hay 737-900, 737 Max 8 sở hữu động cơ LEAP-1B (do hãng cung cấp động cơ máy bay thương mại hàng đầu thế giới CFM International sản xuất) lớn hơn, mạnh và hiệu quả hơn, cho phép bay xa và chở được nhiều khách. Vào năm 2011, động cơ CFM LEAP-1B được mô tả là hiệu quả hơn 0%-12% so với động cơ CFM56-7B của dòng 737.
Boeing đã kỳ vọng rất cao vào động cơ này. "Tôi nghĩ điều thú vị nhất là LEAP sẽ định hình thị trường động cơ dành cho máy bay thân hẹp trong suốt 20-40 năm tới" - ông Steve Crane, trưởng phi công thử nghiệm của CFM, chia sẻ.
Ngoài ra, Boeing còn tự hào tuyên bố dòng 737 Max được trang bị cánh nhỏ (winglet) hiệu quả hơn bất cứ cánh nhỏ nào đang được sử dụng, nói rằng họ "sẽ trình làng công nghệ cánh nhỏ hiện đại nhất - 737 Max AT Winglet…, góp phần tối đa hóa hiệu quả của cánh máy bay".
Xe của Đại sứ quán Ethiopia ở Pháp chở hộp đen của chiếc Boeing 737 Max 8 rơi ở Ethiopia đến Văn phòng Điều tra và Phân tích an toàn hàng không dân dụng Pháp (BEA). Ảnh: REUTERS
Đối mặt với khủng hoảng
Thế nhưng, những thảm họa mà Boeing 737 Max 8 gây ra đã giáng một đòn mạnh và có thể gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ chưa từng có trong lịch sử của hãng máy bay nổi tiếng này. Năm tháng sau khi chiếc Boeing 737 Max 8 của hãng Lion Air bị rơi ở Indonesia (vào ngày 29-10-2018) làm 188 người thiệt mạng, ngày 10-3 vừa qua, đến lượt chiếc Boeing 737 Max 8 của Ethiopian Airlines rơi ở Ethiopia sau khi vừa cất cánh, cướp đi sinh mạng của 157 người.
Mỹ là quốc gia cuối cùng ban hành lệnh cấm bay đối với dòng Boeing 737 Max vì những lo ngại liên quan đến vấn đề an toàn, sau vụ tai nạn mới nhất này. Giải thích về quyết định cấm bay nói trên, FAA khẳng định dữ liệu vệ tinh cùng các bằng chứng vừa thu được tại hiện trường vụ tai nạn mới nhất, gần thủ đô Addis Ababa - Ethiopia, cho thấy ở cả 2 vụ tai nạn, máy bay có đường bay và chuyển động "rất giống nhau".
Động thái của FAA diễn ra chỉ vài phút sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành lệnh cấm khẩn cấp đối với toàn bộ máy bay Boeing 737 Max 8 và Max 9 ở Mỹ.
Lệnh cấm bay này được những người làm việc trong ngành hàng không Mỹ hoan nghênh. Ông John Samuelsen, Chủ tịch quốc tế của Liên đoàn Công nhân Vận tải Mỹ (TWUA), nói lệnh cấm bay Boeing 737 Max là điều đúng đắn với "cả hành khách lẫn những người làm việc trong ngành hàng không".
Ngày 13-3, Boeing cũng đưa ra khuyến cáo các hãng hàng không trên toàn thế giới tạm ngưng sử dụng dòng 737 Max. Mặc dù đối mặt với vô vàn khó khăn nhưng các nhà lãnh đạo Boeing đang tìm mọi cách để giải quyết khủng hoảng.
"Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để tìm ra nguyên nhân tai nạn cùng các nhà điều tra, triển khai các biện pháp nâng cao an toàn và giúp bảo đảm rằng vụ việc sẽ không xảy ra lần nữa" - ông Dennis Muilenburg, Giám đốc điều hành Boeing, tuyên bố.
Có thể cấm bay đến hết tháng 4
Sau buổi họp báo với FAA vào ngày 14-3, nghị sĩ Mỹ Rick Larsen cho biết lệnh cấm bay đối với dòng Boeing 737 Max nhiều khả năng được duy trì đến hết tháng 4, trong lúc chờ đợi Boeing cập nhật phần mềm mới, cũng như kết quả điều tra.
Các nhà điều tra sẽ bắt đầu phân tích 2 hộp đen thu được từ hiện trường tai nạn máy bay của hãng Ethiopian Airlines vào ngày 16-3 để tìm ra nguyên nhân tai nạn. Trước đó, giới chức Ethiopia đã gửi hộp đen đến Văn phòng Điều tra và Phân tích an toàn hàng không dân dụng Pháp (BEA) để nhờ các chuyên gia tại đây phân tích. Vì hộp đen đã bị hư hại một phần nên nhiều khả năng phải mất nhiều ngày mới có kết quả, theo BEA.
Kỳ tới: Boeing 737 Max phủ khắp bầu trời
Bình luận (0)