Người bạch tạng bị săn lùng
Samuel Mluge bước ra khỏi văn phòng của anh và dò dẫm từng bước trên đường. Đôi mắt anh đảo qua đảo lại, cố gắng tập trung nhìn đường trong cái nắng gay gắt của Tanzania. Mặt trời vốn là kẻ thù chính của những người mắc bệnh bạch tạng, nhưng giờ anh đang phải đối diện với những kẻ thù khác nguy hiểm hơn: bọn săn đầu người. Tại Tanzania, cơ thể có làn da trắng như sáp của anh đang có giá rất cao.
Nạn kỳ thị người bạch tạng là vấn đề nghiêm trọng ở các quốc gia cận sa mạc Sahara. Nhưng gần đây tại Tanzania lại xuất hiện xu thế kinh hoàng: Từ năm ngoái tới nay đã có hơn 50 người bạch tạng, gồm cả trẻ em, bị sát hại.
Người bạch tạng đang trở thành nạn nhân trong một cuộc săn đuổi kinh dị ở Tanzania
Nguyên do là tại đây, các thầy mo dùng cơ thể người bạch tạng để chế thành nhiều loại thuốc thần bí. Những loại thuốc kinh dị này có thể được bán với giá tới vài ngàn USD một liều. Vì thế, ai có được một cẳng chân, bàn tay, mái tóc hay chút máu của người bạch tạng đều phất lên nhanh chóng.
Khách hàng của các thầy mo là những người muốn được pháp thuật che chở. Thợ mỏ nghiền xương của người bạch tạng và rắc lên cổ để lấy may trong quá trình đi tìm vàng và đá quý đầy rẫy mối hiểm nguy. Ngư dân thì buộc tóc người bạch tạng vào lưới để mong vớ được mẻ cá đầy thuyền.
Nhiều người Tanzania tin rằng trong cơ thể người bạch tạng ẩn chứa sức mạnh ma thuật. Thực tế, bạch tạng là một căn bệnh do gien gây ra. Loại gien này khiến cơ thể không sản xuất ra melanin, chất nhuộm da và bảo vệ cơ thể khỏi tia cực tím của mặt trời. Tình trạng thiếu melanin cũng khiến mắt người bạch tạng rất dễ tổn thưởng trước ánh sáng mặt trời.
Bởi gien gây bệnh bạch tạng là gien lặn nên một đứa trẻ chỉ mắc bệnh nếu thừa hưởng gien này từ cả cha lẫn mẹ. Điều đó có nghĩa là ngay cả những ông bố, bà mẹ trông rất bình thường vẫn có thể sinh ra con bị bạch tạng. Nhưng do sự thiếu hiểu biết nên người ta gắn cho người bạch tạng các ma thuật, biến họ thành “món hàng” bị săn đuổi ráo riết.
Bế tắc
Trên thế giới trung bình người bạch tạng xuất hiện với tỷ lệ 1/20.000. Nhưng tại Tanzania, tỷ lệ này cao hơn nhiều. Hiệp hội Người bạch tạng Tanzania cho biết con số chính thức những người mắc căn bệnh này ở nước họ là 4.000 nhưng trên thực tế có thể lên tới 173.000.
Không ai biết vì sao các vụ giết người bạch tạng để “làm thuốc” mới bùng nổ thời gian gần đây tại Tanzania. Tổng thống Jakaya Kikwete đã chỉ thị cho lực lượng cảnh sát phải “kiểm kê” những người bạch tạng và bảo vệ họ. Nhà chức trách cũng đã truy bắt và đưa ra tòa những kẻ giết hại người bạch tạng.
Ngeme Luhagula chưa có một đêm ngủ ngon giấc kể từ khi bà chứng kiến cảnh cô con gái ruột mắc bệnh bạch tạng bị chém chết ngay trước mắt mình cách đây 2 năm. Lúc đó cô mới 18 tuổi, độ tuổi đẹp nhất của đời người. “Tôi sống với sự dày vò, đau đớn kể từ ngày đó” - bà buồn bã nói với phóng viên tờ Times trong ngôi nhà nằm bên bờ hồ Victoria.
Tuy nhiên ngày 3-11, bà đã nở nụ cười, dù là nụ cười méo xệch, khi nghe tin 4 người đàn ông Tanzania bị nhà chức trách kết án treo cổ vì tội giết hại một người bạch tạng 50 tuổi để lấy đầu và đôi chân đem bán.
Thân nhân Nyerere Rutahiro đã phải trát xi măng lên mộ ông để tránh việc bị đào trộm thi thể
Đã có 7 người lãnh án tử hình do sát hại người bạch tạng kể từ khi chỉ thị của Tổng thống được ban ra hồi tháng 9. “Tôi muốn những kẻ giết người đó phải bị treo cổ ở nơi công cộng để làm gương” - Luhagula nói.
Việc có tới hơn 50 người bạch tạng bị giết hại dã man đã làm hỏng hình ảnh một quốc gia tự do và ổn định nhất châu Phi của Tanzania. Các phán quyết nghiêm khắc của tòa án vì thế được công chúng hoan nghênh, cho dù nhiều băng tội phạm và những kẻ thủ ác chính trong việc sát hại người bạch tạng vẫn chưa bị đưa ra trước công lý.
Bản thân Luhagula cũng tin rằng chỉ có án tử hình thôi chưa đủ để ngăn chặn nạn giết người bạch tạng. “Những bản án đó sẽ là vô dụng nếu chính phủ không tạo ra nền tảng an ninh, nhà ở kiên cố và tạo điều kiện để những đứa trẻ bạch tạng được học hành”, bà Luhagula nói, “Khởi tố và đưa một số hung thủ ra tòa không thể ngăn chặn các vụ giết người”.
Bình luận (0)