Như một phần của thoả thuận hoãn truy tố, bà Mạnh không thừa nhận các tội danh gian lận trong phiên toà trực tuyến tại New York - Mỹ hôm 24-9. Công tố viên Mỹ David Kessler cho biết thỏa thuận giữa hai bên sẽ chấm dứt vào tháng 12-2022. Nếu cho tới thời điểm đó, bà Mạnh tuân thủ nghĩa vụ của mình, các cáo trạng sẽ được hủy bỏ.
Tại Canada, Phó chánh án Tòa tối cao British Columbia Heather Holmes cũng đã ký lệnh phóng thích bà Mạnh và chấm dứt quá trình dẫn độ sang Mỹ.
Giám đốc tài chính Huawei Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Chu) trả lời báo giới sau phiên toà. Ảnh: CBC
Bên ngoài tòa án, bà Mạnh gửi lời cám ơn phó chánh án Holmes vì "sự công bằng" trong quá trình tố tụng. Bà Mạnh cho hay: "Tôi đánh giá cao sự chuyên nghiệp của tòa án và chính phủ Canada vì đã thượng tôn pháp luật".
Trong một tuyên bố cùng ngày, Bộ Tư pháp Canada xác nhận công chúa Huawei được tự do rời khỏi Canada. Một nguồn tin cho BBC biết bà Mạnh đã lên một chuyến bay của hãng Air China đến TP Thâm Quyến - Trung Quốc ngay sau đó.
Công chúa Huawei Mạnh Vãn Chu đã về đến Trung Quốc
Trước đó, bà Mạnh bị bắt tại sân bay Vancouver - Canada vào ngày 1-12-2018 theo yêu cầu của Mỹ. Bà bị cáo buộc lách lệnh trừng phạt của Mỹ để hợp tác với Iran. Các cáo buộc khác bao gồm lừa dối và che giấu hoạt động kinh doanh tại Iran để Ngân hàng HSBC tiếp tục xử lý các giao dịch tài chính cho Huawei. Chính phủ Trung Quốc nhiều lần phản ứng mạnh mẽ và yêu cầu trả tự do cho bà Mạnh.
Vụ yêu cầu dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ kéo dài nhiều năm là nguồn gốc của mối bất hòa giữa Bắc Kinh và Washington khi các quan chức Trung Quốc cảnh báo rằng vụ việc cần được hủy bỏ để giúp chấm dứt bế tắc ngoại giao giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Theo hãng tin Reuters, thỏa thuận hoãn truy tố nói trên khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden đối mặt nhiều chỉ trích từ các quan chức Mỹ có quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc, những người cho rằng chính quyền ông Biden đầu hàng Trung Quốc và một trong những công ty hàng đầu của nước này trong cuộc cạnh tranh công nghệ toàn cầu giữa hai nước.
Theo đài CBC, diễn biến mới hôm 24-9 cũng có thể đánh dấu một giai đoạn mới trong mối quan hệ căng thẳng giữa chính phủ Canada và Trung Quốc. Vụ thoả thuận nói trên có thể tạo điều kiện cho hai công dân Canada, gồm doanh nhân Michael Spavor và nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig, được trả tự do. Hai người này bị giam giữ tại Trung Quốc không lâu sau khi bà Mạnh bị bắt vào năm 2018.
Bình luận (0)