Nằm cách thủ đô Berlin - Đức gần 100 km về phía Tây, ngôi làng nhỏ Himmelpfort có một bưu điện rất đặc biệt. Tại đó, 20 “thiên thần” biết nhiều ngôn ngữ dành nhiều tháng trời để trả lời hàng trăm ngàn lá thư của trẻ em khắp thế giới viết cho ông già Noel với hy vọng điều ước Giáng sinh của mình sẽ thành hiện thực.
“Đây là phép màu của ông già Noel. Bọn trẻ dành nhiều công sức cho các lá thư nên chúng sẽ rất vui khi nhận được câu trả lời” - bà Tina Birke, người phát ngôn Công ty Bưu chính Đức (Deutsche Post), nói với báo USA Today vào một buổi chiều bận rộn của bưu điện Himmelpfort gần đây.
Dịch vụ trên bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1984. Khi đó, có hai đứa trẻ viết thư cho ông già Noel và gửi đến Bưu điện Himmelpfort vì tin rằng do cái tên của ngôi làng (tạm dịch là “cổng thiên đường”), ông già Noel chắc phải sống ở đó. Một nữ nhân viên bưu điện địa phương quyết định hồi âm khiến tin đồn lan nhanh rằng Himmelpfort là nơi có thể nói chuyện với ông già Noel.
Ngày nay, ngôi làng 500 cư dân này mỗi năm nhận được hơn 300.000 lá thư gửi ông già Noel từ 69 quốc gia. Điều thú vị là không phải đứa trẻ nào cũng đủ kiên nhẫn đợi đến Giáng sinh: 7.700 lá thư được gửi đến Bưu điện Himmelpfort vào mùa hè qua.
Nội dung các lá thư mang lại nhiều cảm xúc khác nhau, từ xúc động, truyền cảm hứng cho đến vui nhộn. Một số trẻ ước có những món đồ chơi hoặc thiết bị điện tử mới nhất. Những đứa khác mong bố hoặc mẹ khỏi bệnh. Ấn tượng hơn, một bé trai ước em gái sớm mọc răng để chúng có thể ăn cùng nhau.
Tại Mỹ, một thị trấn 2.500 dân ở bang Indiana cũng gắn liền với dịp Giáng sinh bởi cái tên đặc biệt của nó: Santa Claus (ông già Noel). Mỗi năm, hàng ngàn lá thư, trong đó có cả thư từ nước ngoài, gửi cho ông già Noel đã tìm đường đến bưu điện thị trấn. Những người tình nguyện, tự gọi mình là chú lùn của ông già Noel, đã dành ra tháng 12 để trả lời toàn bộ số thư nhận được theo truyền thống có từ năm 1914.
Bà Emily Thompson, giám đốc một viện bảo tàng tại địa phương, cho biết những gì họ làm không chỉ giúp ông già Noel mà còn duy trì niềm tin vào phép màu trong dịp Giáng sinh. Đây cũng chính là thông điệp được ông già Noel phát đi từ quê nhà ở vùng Lapland - Phần Lan nhân dịp Giáng sinh năm nay: “Đừng sợ hãi và luôn ghi nhớ rằng những điều kỳ diệu có thể xảy ra”.
Hai hiện tượng kỳ thú
Trái đất đón đồng thời 2 hiện tượng thiên văn hiếm gặp vào hôm nay, 24-12. Đó là Giáng sinh trăng tròn đầu tiên kể từ năm 1977 và một thiên thạch có tên 2003 SD220 bay ngang địa cầu.
Trăng tròn vào tháng 12 được gọi là “trăng lạnh” bởi nó diễn ra khi mùa đông bắt đầu. Với những ai dưới 38 tuổi, năm nay là lần đầu tiên họ được chứng kiến Giáng sinh trăng tròn - tròn nhất vào ngày 24-12 tại Mỹ và 25-12 tại châu Âu (giờ địa phương). Thông báo của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) lãng mạn hóa hiện tượng này bằng cách gọi nó là “món quà tặng kèm cho kỳ nghỉ”. Theo NASA, ai muốn trải nghiệm kỳ Giáng sinh trăng tròn tiếp theo phải đợi tới năm 2034.
Trong khi đó, thiên thạch SD220 sẽ “chào” trái đất nhưng cứ yên tâm, nó sẽ ở cách chúng ta tới… 11 triệu km. Khoảng cách này gấp 28 lần khoảng cách giữa trái đất và mặt trăng, tức là không có cơ hội để quan sát nó bằng mắt thường. NASA dự tính theo dõi thiên thạch có đường kính khoảng 0,7 km và dài chừng 2 km này.
Hiện chưa rõ xuất xứ của SD220 và nó có thể tái ngộ trái đất vào năm 2018. NASA bảo đảm thiên thạch này sẽ không “áp sát nguy hiểm” đối với trái đất trong vòng 2 thế kỷ tới. Trước những tin đồn SD220 gây động đất, NASA hoàn toàn bác bỏ bởi một thiên thạch không thể tạo địa chấn trừ khi nó đâm sầm vào trái đất. Nhà thiên văn học Phil Plait chỉ ra SD220 từng bay ngang trái đất trước đây mà không gây sự cố gì.
Mỹ Nhung
Bình luận (0)