"Đặc biệt, tính minh bạch của chính phủ trong công tác ứng phó Covid-19 đóng vai trò rất quan trọng" - bà Kellie Meiman Hock, chuyên gia Công ty Tư vấn thương mại quốc tế McLarty Associates (Mỹ), nhận định với báo The Straits Times hôm 3-5. Theo bà Hock, các quyết định liên quan đến các ngành công nghiệp thiết yếu và không thiết yếu phải nhất quán để cho phép các công ty đánh giá tác động của biện pháp hạn chế đi lại đối với hoạt động của họ.
Theo giới chuyên gia, ngày càng nhiều công ty xem Đông Nam Á như một lựa chọn thay thế Trung Quốc trong hoạt động sản xuất và cung ứng, đặc biệt là sau khi dịch Covid-19 khởi phát tại nước này. Bà Pavida Pananond, chuyên gia tại Trường ĐH Thammasat (Thái Lan), khẳng định việc quá phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc đã cho các công ty đa quốc gia một bài học đắt giá và họ không thể chịu đựng thêm một sự gián đoạn nghiêm trọng nào như thế.
Tại Mỹ, không ít người cho rằng mọi thứ không nhất thiết phải được sản xuất nội địa, song Covid-19 cũng là một minh chứng cho thấy cần sản xuất hàng hóa bên ngoài Trung Quốc, theo Phó Chủ tịch phụ trách chính sách của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (UABC) Marc Mealy. Cũng theo ông Mealy, điều này phù hợp với các lợi ích của ASEAN liên quan đến chuỗi cung ứng thương mại.
Một trạm xét nghiệm nhanh Covid-19 ở Hà Nội hôm 31-3. Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá là đã ứng phó tốt dịch bệnh này Ảnh: REUTERS
Cho đến nay, quyết định đặt dây chuyền sản xuất hay tìm kiếm chuỗi cung ứng của doanh nghiệp phần lớn phụ thuộc vào yếu tố chi phí và tính hiệu quả. Tuy nhiên, "khả năng phục hồi" hiện cũng đã trở thành yếu tố chính trong khâu đánh giá rủi ro.
"Nếu xảy ra chuyện, chính phủ nào có thể giải quyết tốt, chính phủ nào giải quyết không tốt" - ông Mealy giải thích. Theo ông Ernie Bower, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Bower Group Asia (Mỹ), các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đến từ châu Âu, Mỹ và thậm chí là châu Á đều có chung đánh giá rằng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Singapore là 2 quốc gia ứng phó Covid-19 tốt.
Theo hãng tin Kyodo, nhằm giúp các nhà sản xuất nội địa đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chính phủ Nhật Bản sẽ triển khai chương trình trợ cấp để hỗ trợ các doanh nghiệp này chuyển cơ sở sản xuất tại nước ngoài sang Đông Nam Á. Trong khuôn khổ của chương trình có trị giá 220 triệu USD này, các nhà sản xuất nội địa Nhật Bản sẽ được hỗ trợ tài chính để nghiên cứu khả thi cũng như xây dựng cơ sở sản xuất tại các quốc gia Đông Nam Á.
Một quan chức Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản nhấn mạnh chương trình trên sẽ giúp Tokyo cải thiện hơn nữa quan hệ với các nước ASEAN.
Sáng kiến trên được đưa ra sau khi nhiều nhà sản xuất Nhật Bản, trong đó có các hãng xe, thiếu hụt linh kiện, phụ tùng sản xuất ở Trung Quốc do Covid-19. Trong một nỗ lực khác nhằm củng cố chuỗi cung ứng, chính phủ Nhật Bản sẽ chi hơn 2 tỉ USD để thúc đẩy sản xuất nội địa các mặt hàng hiện phải nhập khẩu nhiều từ những khu vực nhất định.
Khoản trợ cấp nêu trên sẽ hỗ trợ tài chính cho các công ty Nhật Bản chuyển địa điểm sản xuất tại nước ngoài về nước. Chương trình trợ cấp này cũng sẽ nhắm vào những doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu để người dân Nhật Bản có thể "sống lành mạnh" giữa khủng hoảng Covid-19, trong đó có khẩu trang và dung dịch rửa tay.
Theo Hiệp hội Công nghiệp sản phẩm vệ sinh Nhật Bản (JHPIA), khoảng 80% khẩu trang tại quốc gia này trong năm 2018 là hàng nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. Kể từ khi Covid-19 bùng phát, khẩu trang trở nên khan hiếm đến mức Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo phải triển khai chương trình phát khẩu trang vải cho các hộ gia đình trên khắp cả nước.
Ông Takahiro Fujimoto, Trường ĐH Tokyo (Nhật Bản), khẳng định 2 chương trình trợ cấp nêu trên là "hợp lý ở một mức độ nào đó" từ góc độ dài hạn vì chúng sẽ khuyến khích các nhà sản xuất nội địa hướng tới hoạt động sản xuất cân bằng hơn giữa Nhật Bản, Trung Quốc và ASEAN.
Bình luận (0)