Theo trang NPR hôm 3-4, Guayaquil là tâm điểm dịch bệnh Covid-19 tại Ecuador. Thành phố cảng này chiếm khoảng một nửa số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên cả nước, trong khi bệnh nhân lấp đầy các bệnh viện địa phương.
Lệnh giới nghiêm toàn quốc gây ảnh hưởng tới hoạt động vận chuyển và hỗ trợ bệnh nhân. Vì vậy, người nhà buộc phải đem thi thể của các bệnh nhân, bao gồm người mắc Covid-19 và các bệnh khác, để trên đường phố bên ngoài nhà và thay nhau trông chừng. Các thi thể bọc trong ga trải giường hoặc túi nhựa và phân hủy dưới trời nắng.
Một cư dân ở Guayaquil tên là Victor Morande, 38 tuổi, chết vì suy hô hấp cách đây 4 ngày nhưng vẫn phải nằm ở vỉa hè. Anh họ của ông Morande, Keyla Reyes, cho biết họ đã gọi cảnh sát nhưng không ai đến.
Nhiều thi thể bệnh nhân Covid-19 phải để trên đường phố ở Ecuador. Ảnh: Twitter
Nhân viên y tế Jonathan Escalante nói rằng anh được giao nhiệm vụ đi lấy một thi thể do người thân trông coi đã 1 tuần.
Người dẫn đầu lực lượng đặc biệt của chính phủ ở tỉnh Guayas, Jorge Wated, thừa nhận sự chậm trễ, đồng thời gửi lời xin lỗi tới các gia đình.
Ngay cả Thị trưởng Guayaquil, bà Cynthia Viteri, dường như cũng bị sốc. "Điều gì đang xảy ra với hệ thống y tế công cộng ở đất nước này?" – bà Viteri tự hỏi.
Lệnh phong tỏa để ngăn chặn dịch Covid-19 khiến việc thu thập các thi thể bệnh nhân gặp khó khăn ở TP Guayaquil
Trong một bài phát biểu hôm 2-4, Tổng thống Ecuador Lenin Moreno cảnh báo 3.500 người có thể chết vì Covid-19 tại và xung quanh Guayaquil. Ông cũng cho biết đã phái lực lượng tới đến thành phố để thu thập thi thể và cam kết xây dựng một nghĩa trang mới cho họ.
Hôm 4-4, Ecuador đang có 3.368 ca nhiễm và 145 ca tử vong do Covid-19.
Hai quốc gia Nam Mỹ khác là Brazil và Venezuela cũng vất vả đối phó Covid-19. Trong đó, dữ liệu được cập nhật trong báo cáo hằng ngày của Bộ Y tế Brazil cho thấy nước này ghi nhận 9.216 ca nhiễm và 365 ca tử vong tính đến hiện tại. Báo The Rio Times đưa tin trong một tuần, số người chết ở Brazil tăng 290% khi so sánh dữ liệu từ ngày 27-3 đến ngày 3-4.
Còn Venezuela, hàng triệu công dân của họ đang có nguy cơ bị trục xuất khỏi Colombia vì chính phủ sở tại thực hiện biện pháp cách ly nghiêm ngặt. Gần 1,8 triệu người di cư và người tị nạn Venezuela đã tới Colombia để thoát khỏi nền kinh tế yếu kém, nghèo đói, thiếu lương thực, thuốc men và khủng hoảng chính trị.
Tính đến hôm 4-4, Venezuela đang có 153 ca nhiễm và 7 ca tử vong do Covid-19, còn Colombia là 1.267 ca nhiễm và 25 ca tử vong.
Bình luận (0)