Các biện pháp hạn chế đã được ban bố trở lại trên khắp châu Á trong bối cảnh Covid-19 tái bùng phát diện rộng, kể cả tại những quốc gia, vùng lãnh thổ từng được ca ngợi là hình mẫu chống dịch.
Số người thiệt mạng vì Covid-19 tại Mông Cổ đã tăng từ 15 lên 233 người trong khi Đài Loan (Trung Quốc), nơi từng được xem là thành công lớn trong chống dịch, ghi nhận thêm hơn 1.000 ca nhiễm kể từ tuần rồi và đã đặt hơn 600.000 người vào tình trạng cách ly y tế 2 tuần. Hồng Kông và Singapore đã hoãn bong bóng du lịch không cách ly lần thứ 2 vì đợt bùng phát không rõ nguồn gốc ở Singapore.
Đường phố TP Đài Bắc - Đài Loan (Trung Quốc) thưa thớt bóng người hôm 19-5 sau khi Covid-19 bùng phát trở lại. Ảnh: REUTERS
Trung Quốc, nơi được mô tả là câu chuyện chống dịch thành công, cũng ghi nhận những ca nhiễm nội địa đầu tiên sau hơn 3 tuần, dường như liên quan đến việc tiếp xúc với các ca nhiễm nhập cảnh. Tại Malaysia, lệnh tái phong tỏa toàn quốc kéo dài 1 tháng, đến hết ngày 7-6, được giới chức công bố để đối phó với làn sóng Covid-19 mới khiến số ca nhiễm và tử vong tăng gấp 4 lần kể từ tháng 1, lên tổng cộng hơn 479.000 và 1.994 ca.
Với 29 ca tử vong được công bố vào ngày 19-5, Thái Lan đến nay đã ghi nhận tổng cộng 678 ca, trong đó có 584 ca liên quan đến làn sóng lây nhiễm mới nhất. Theo AP, khoảng 75% trong tổng số hơn 116.000 ca nhiễm của Thái Lan được ghi nhận kể từ đầu tháng 4.
So với Ấn Độ và nhiều quốc gia châu Âu, những đợt tái bùng phát nêu trên còn tương đối nhẹ, song nó là một lời gợi nhắc về sự hiện diện dai dẳng của virus, bất chấp các quy định nghiêm ngặt về khẩu trang, truy vết, xét nghiệm diện rộng và nỗ lực phủ sóng vắc-xin. Làn sóng lây nhiễm mới đặt ra những lựa chọn khó khăn cho chính phủ, đặc biệt là tại các nước có thu nhập thấp hơn - nơi lệnh phong tỏa có thể làm gia tăng sự khốn khó về mặt tài chính đối với những người đang sống trong cảnh thiếu thốn lương thực.
Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte đã nới lỏng phong tỏa ở thủ đô Manila và các tỉnh lân cận để chống suy thoái kinh tế và tình trạng khan hiếm lương thực. Tuy nhiên, lệnh cấm người dân tụ tập vẫn được duy trì trong tháng này, thời điểm diễn ra nhiều lễ hội tôn giáo. Philippines bắt đầu chứng kiến số ca nhiễm tăng mạnh vào tháng 3, lên các mức tồi tệ nhất ở châu Á với hơn 10.000 ca/ngày, buộc Tổng thống Duterte ban bố lệnh phong tỏa Manila và các vùng lân cận vào tháng 4.
Trong khi đó, Ấn Độ ngày 19-5 thông báo thêm 4.529 ca tử vong vì Covid-19, mức tăng kỷ lục sau 24 giờ, lên tổng cộng 283.248 ca. Số người thiệt mạng hằng ngày vì Covid-19 tại Ấn Độ đã tăng trong những ngày gần đây khi virus lây lan đến các khu vực nông thôn có hệ thống chăm sóc sức khỏe kém. Dù vậy, số ca nhiễm hằng ngày tại quốc gia này lại có xu hướng giảm, với 267.000 ca vào ngày 19-5, lên tổng cộng 25,5 triệu ca. Giới chuyên gia dự đoán với đà tăng hiện tại, Ấn Độ sẽ vượt Mỹ để trở thành quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới vào tháng tới.
Bộ trưởng Du lịch và Môi trường Ấn Độ Aaditya Thackeray chia sẻ với đài CNBC rằng Maharashtra, bang giàu nhất Ấn Độ và cũng là tâm dịch của làn sóng Covid-19 thứ 2, đang triển khai những bước đi cần thiết để đối phó với đợt lây nhiễm tiếp theo. Kể từ tháng rồi, theo Bộ trưởng Thackeray, giới chức Maharashtra đã bàn bạc nhiều giải pháp để ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ 3, nhiều khả năng bùng phát trong giai đoạn giữa tháng 9 và tháng 10 tới.
Bộ trưởng Thackeray cho biết quá trình chuẩn bị tập trung vào 3 mục chính, gồm khả năng phản ứng y tế của bang Maharashtra, hướng dẫn chống dịch và phản ứng của các doanh nghiệp, bởi "các ngành công nghiệp vẫn phải hoạt động, công việc vẫn phải tiếp diễn".
Bình luận (0)