Báo South China Morning Post (SCMP) ngày 20-6 dẫn lời Wu Chung-I, nhà sinh học dành phần lớn sự nghiệp của mình tại Trường ĐH Chicago (Mỹ), cho biết giả thuyết các nhà khoa học tại Viện Virus học Vũ Hán tạo ra virus Sars-CoV-2 là rất khó xảy ra.
Phát biểu tại cuộc hội thảo trực tuyến do Viện nghiên cứu quản trị toàn cầu (trụ sở tại Bắc Kinh) tổ chức ngày 19-8, ông Wu nói: "Chúng ta đã dành quá nhiều thời gian và năng lượng cho vụ việc này, giống như một đám học sinh đánh nhau trong sân chơi. Chúng ta không cố gắng giải quyết bất cứ điều gì… Thật lãng phí thời gian".
Biến thể Delta đang lây lan trên toàn cầu. Ảnh: BioSpace
Ông Wu dẫn chứng biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 - đang lây lan trên toàn cầu và đã trải qua nhiều lần đột biến - là ví dụ cụ thể nhất cho thấy con người khó có thể tạo ra virus này.
"Virus phải trải qua một quá trình rất dài để có thể thích nghi cực kỳ tốt với các điều kiện của con người. Không thể tưởng tượng được rằng thông qua tổng hợp trong phòng thí nghiệm hoặc thông qua việc lấy một loại virus từ tự nhiên, từ bất kỳ loài động vật nào, sau đó thả nó vào cộng đồng và hy vọng nó huỷ hoại quần thể. Tôi coi điều đó là cực kỳ khó xảy ra. Các chính trị gia có thể tuyên bố chắc nịch về nguồn gốc (dịch Covid-19) nhưng các nhà khoa học nên thận trọng hơn về điều này" - ông Wu lập luận.
Tuy nhiên, nhà virus học Jonathan Stoye, Viện Francis Crick (Anh), cho rằng giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm vẫn cần được làm rõ: "Chỉ đơn giản phủ nhận khả năng này không giúp giải quyết vấn đề. Thay vào đó phải kiểm tra tất cả hồ sơ phòng thí nghiệm và tổ chức thảo luận với các nhân viên liên quan".
Một quan chức Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) gọi "giả thuyết phòng thí nghiệm" là một tin đồn, trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây đề cập tới giả thuyết một phòng thí nghiệm tại căn cứ quân sự Fort Detrick của Mỹ có khả năng đã làm rò rỉ virus.
Các nhà khoa học Trung Quốc và Scotland trong một lá thư gửi tạp chí Khoa học viết rằng các bằng chứng không ủng hộ giả thuyết virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm, đồng thời cho rằng việc buôn bán động vật hoang dã có thể là nguyên nhân dẫn đến việc virus này xâm nhập vào quần thể người.
Vài ngày sau khi Trung Quốc bác lời kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19 giai đoạn mới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định họ vẫn tin quốc gia này sẽ hợp tác điều tra. “Tôi tin rằng… các đồng nghiệp của chúng tôi ở Trung Quốc sẽ sẵn sàng hợp tác về các nghiên cứu khoa học cần thiết để tìm hiểu kỹ hơn về nguồn gốc Covid-19” - ông Mike Ryan, người đứng đầu Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO, khẳng định hôm 18-8.
Trước đó, vào ngày 13-8, Bắc Kinh đã phản đối yêu cầu của WHO về việc cung cấp dữ liệu thô liên quan đến những ca nhiễm đầu tiên để phục vụ công tác điều tra. Bắc Kinh nhấn mạnh đây là lời kêu gọi mang động cơ chính trị.
Về phần mình, Đại sứ Trung Quốc tại Đan Mạch Phùng Thiết mới đây viết bài đăng trên báo Copenhagen Post để phản ứng với một chương trình tài liệu của Đan Mạch. Động thái trên diễn ra không lâu sau khi chương trình này dẫn lời ông Peter Ben Embarek, trưởng nhóm điều tra của WHO, nói rằng việc Trung Quốc phản đối giới điều tra “soi” các phòng thí nghiệm của họ có thể đồng nghĩa với việc họ muốn che giấu “lỗi con người”.
Trong bài viết của mình, Đại sứ Phùng tuyên bố Trung Quốc sẽ bác bỏ mọi nghiên cứu truy tìm nguồn gốc Covid-19 có kết luận rằng khả năng virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm không phải là cực kỳ khó xảy ra.
Bình luận (0)