Một cuộc nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí The Lancet (Anh) hôm 2-2 cho thấy vắc-xin Sputnik V của Nga an toàn và cho hiệu quả đến 91,6% trong việc ngăn ngừa Covid-19. Theo đài Al Jazeera, đây là kết quả ban đầu của cuộc thử nghiệm trên 20.000 người từ 18 tuổi trở lên tại 25 bệnh viện ở thủ đô Moscow trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 11-2020.
Kết quả trên được xem là cú hích cho loại vắc-xin từng gây không ít hoài nghi kể từ khi được chính phủ Nga phê chuẩn vào tháng 8-2020. Với Sputnik V cho hiệu quả không kém gì các đối thủ phương Tây, nhà chức trách y tế Mexico lập tức phê chuẩn sử dụng vắc-xin này trong trường hợp khẩn cấp.
Trong khi đó, đội ngũ nhân viên y tế ở Argentina bắt đầu được tiêm chủng Sputnik V trong ngày 2-2 (giờ địa phương). Trước đó, Sputnik V đã được sử dụng ở Nga và một số quốc gia khác. Người phát ngôn Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), đơn vị tài trợ dự án phát triển Sputnik V, cho biết hơn 50 nước đã đăng ký mua 2,4 tỉ liều vắc-xin này.
Khi được hỏi về thông tin liên quan đến Sputnik V, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định tất cả vắc-xin đều được hoan nghênh ở Liên minh châu Âu (EU) giữa lúc khối này đối mặt phản ứng giận dữ của người dân trước sự khởi đầu chậm trễ của chiến dịch tiêm chủng.
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) và các nhà lãnh đạo châu Âu đang tranh cãi với hãng dược AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) về việc không cung cấp đủ liều và thiếu bằng chứng về hiệu quả của vắc-xin đối với người trên 65 tuổi. Bất đồng này càng được nêu bật khi cả Thụy Điển và Pháp hôm 2-2 đều khuyến nghị chỉ tiêm vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca cho người dưới 65 tuổi.
Nhân viên y tế vận chuyển vắc-xin Sputnik V tại TP Trinidad - Bolivia hôm 1-2Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Ấn Độ và Trung Quốc đang tăng cường sử dụng "ngoại giao vắc-xin" để vừa hỗ trợ cuộc chiến chống Covid-19 vừa gia tăng ảnh hưởng trên thế giới. Là quốc gia có dịch Covid-19 tồi tệ nhất ở châu Phi, Nam Phi vừa nhận 1 triệu liều vắc-xin Covishield của Ấn Độ hôm 1-2.
Theo báo South China Morning Post (Hồng Kông), Ấn Độ hiện sử dụng vị thế là nước sản xuất vắc-xin hàng đầu thế giới để cung cấp vắc-xin Covid-19 cho những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ở châu Phi.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi vào tuần rồi xác nhận Ấn Độ đã đồng ý cung cấp cho châu lục này thêm 400 triệu liều vắc-xin Covid-19. New Delhi còn cam kết tặng hoặc bán hơn 20 triệu liều cho một loạt quốc gia láng giềng như Nepal, Bangladesh, Sri Lanka, Afghanistan…
Không chịu thua kém, Trung Quốc hôm 1-2 cũng thông báo tặng vắc-xin Covid-19 cho Pakistan, vừa là láng giềng vừa là đối thủ của Ấn Độ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo thêm Bắc Kinh sẽ viện trợ vắc-xin Covid-19 cho một số nước khác, trong đó có Brunei, Nepal, Philippines, Myanmar, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Sierra Leone, Zimbabwe, Guinea Xích Đạo... Trong số này, Zimbabwe, Sierra Leone và Guinea Xích đạo là 3 nước châu Phi đầu tiên nhận viện trợ vắc-xin Covid-19 từ Trung Quốc.
Ông Lawrence Gostin, chuyên gia tại Trường ĐH Georgetown (Mỹ), cho biết Ấn Độ, Trung Quốc, Nga là 3 quốc gia đang tích cực phân phối vắc-xin Covid-19 trên toàn cầu. Dù bày tỏ lo ngại về sự thiếu minh bạch trong các thỏa thuận liên quan đến vắc-xin và vai trò của chúng trong lợi thế quốc gia chiến lược, ông Gostin vẫn hoan nghênh việc chia sẻ và phân phối vắc-xin toàn cầu hơn là chủ nghĩa dân tộc vắc-xin ích kỷ của các quốc gia có thu nhập cao. Chẳng hạn như, theo chuyên gia này, Mỹ, Anh và EU đã tích trữ vắc-xin mà không quan tâm gì nhiều đến phần còn lại của thế giới.
Cột mốc tích cực ở Mỹ
Sau Israel, Anh và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Mỹ là quốc gia mới nhất ghi nhận cột mốc đáng hoan nghênh trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19: Số người được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin đã cao hơn số người cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Tính đến chiều 1-2 (giờ địa phương), theo thống kê của trang Bloomberg, số người Mỹ được tiêm 1 hoặc 2 liều vắc-xin Covid-19 đã chạm mốc 26,5 triệu người - vượt qua con số 26,3 triệu ca nhiễm tại nước này kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Với 1,34 triệu liều/ngày, Mỹ là quốc gia có tốc độ tiêm chủng nhanh nhất thế giới. Chương trình tiêm chủng của quốc gia này gặp khó khăn vào những ngày đầu. Dù vậy, trong vòng 6 tuần kể từ khi mũi tiêm đầu tiên diễn ra, gần 7,8% người dân Mỹ đã được tiêm 1 hoặc 2 liều. Ngoài ra, 1,8% người dân đã được tiêm chủng đầy đủ.
Theo ông Jay Butler, Phó Giám đốc phụ trách bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), số người nhiễm, nhập viện và cần được chăm sóc đặc biệt vì Covid-19 đã bắt đầu giảm tại Mỹ. Tuy nhiên, ông Butler vẫn tỏ ra thận trọng khi cho biết: "Mặc dù đây là những xu hướng tích cực, tôi muốn nhấn mạnh rằng các con số đến giờ vẫn ở mức cao trên toàn quốc, cao như ở bất kỳ thời điểm nào trong đại dịch".
Giới chuyên gia khẳng định với Bloomberg rằng dịch bệnh vẫn có khả năng bùng phát trở lại, đặc biệt là nếu biến thể mới từ Nam Phi và những nơi khác lây lan nhanh. Các nghiên cứu cho thấy vắc-xin, đặc biệt là những sản phẩm ra đời sau của 2 công ty Johnson & Johnson và Novavax (đều của Mỹ), bị giảm hiệu quả trước biến thể ở Nam Phi.
Cao Lực
Bình luận (0)