Ông Lu Hongzhou, từ Trung tâm Y học lâm sàng công cộng Thượng Hải (SPHCC), cho biết SPHCC đã thiết lập một phòng khám đặc biệt để theo dõi liệu pháp huyết tương và đang chọn lọc những bệnh nhân sẵn sàng hiến máu. Máu hiến sẽ được kiểm tra để xem liệu người hiến có mắc những căn bệnh khác, như viêm gan B hay C, hay không.
"Chúng tôi tin liệu pháp truyền huyết tương có thể rất hiệu quả đối với bệnh nhân nhiễm Covid-19" – ông Hongzhou khẳng định, đồng thời cho biết những kết quả đạt được ban đầu là rất tích cực.
Cùng ngày, giới chức y tế Trung Quốc kêu gọi những người đã được chữa khỏi Covid-19 hiến máu để "mang lại hy vọng cho những bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch".
Ông Lu Hongzhou khẳng định kết quả ban đầu từ liệu pháp truyền huyết tương là "rất khích lệ". Ảnh: Reuters
Ông Mike Ryan, người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khẳng định việc thử nghiệm huyết tương của những người vừa khỏi bệnh là một "hướng đi đúng". Tuy nhiên, theo ông Ryan, điều quan trọng là phải canh được thời gian để tối đa hóa khả năng tăng cường miễn dịch của bệnh nhân.
Liệu pháp huyết tương đã được chứng minh là "hiệu quả và có khả năng cứu mạng" trong việc điều trị các dịch bệnh khác, trong đó có bệnh dại và bệnh bạch hầu, ông Ryan nói thêm.
Ngoài liệu pháp truyền huyết tương, bác sĩ Trung Quốc còn thử nghiệm các loại thuốc kháng virus đã được cấp phép để xem liệu chúng có thể được sử dụng để chữa trị Covid-19 hay không.
Giới khoa học đang thử nghiệm 2 loại thuốc kháng virus, gồm remdesivir của Công ty Công nghệ sinh học Gilead Sciences (Mỹ) và thuốc điều trị HIV Kaletra của Công ty AbbVie (Mỹ). Kết quả ban đầu sẽ được công bố trong vài tuần tới.
Ông Mike Ryan khẳng định việc thử nghiệm liệu pháp truyền huyết tương là một hướng tiếp cận "rất hợp lý". Ảnh: Reuters
Bình luận (0)