Tình cảnh của ông Visioli cũng giống như nhiều bệnh nhân tử vong do Covid-19 tại Ý, quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nặng nhất bên ngoài Trung Quốc với 53.578 ca nhiễm và 4.825 ca tử vong tính đến hôm 21-3 (giờ địa phương).
Theo lời kể của cháu gái ông Visioli, Marta Manfredi, không có đám tang, không có người thân và chỉ có duy nhất một linh mục đọc lời cầu nguyện, tiễn ông Visioli về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang gần Cremona. Thời điểm đó, bà Manfredi phải ở nhà vì lệnh kiểm dịch. Người phụ nữ ngậm ngùi chia sẻ với Reuters: "Khi tất cả chuyện này kết thúc, chúng tôi sẽ cho ông ấy một đám tang đúng nghĩa".
Không chỉ Ý mới phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan tới Covid-19, tại Ireland, nhà chức trách y tế khuyến cáo nhân viên nhà xác đeo khẩu trang cho các thi thể để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Tại Hàn Quốc, số lượng người "khóc mướn" trong đám tang giảm mạnh khiến các đơn vị tổ chức tang lễ đau đầu. Thậm chí một công ty tang lễ tại Ý cho phép các gia đình bị cách ly xem linh mục ban phước cho người quá cố thông qua cuộc gọi video.
Nhân viên công ty tang lễ đeo khẩu trang khi vận chuyển quan tài ở Ý. Ảnh: Reuters
Thi thể tràn ngập
Ở Iran cũng như ở miền Bắc nước Ý, các nhân viên bệnh viện và công ty tang lễ phải chứng kiến một lượng lớn thi thể mỗi ngày. Quản lý nghĩa trang Behesht-e Zahra, thủ đô Tehran, cho biết: "Chính quyền thuê người mới đào mộ. Chúng tôi làm việc cả ngày lẫn đêm. Tôi chưa bao giờ thấy tình cảnh đau lòng như vậy. Không có đám tang nào diễn ra. Hầu hết thi thể được chở đến bằng xe tải, sau đó chôn cất mà không có nghi thức đạo Hồi đi kèm".
Theo Reuters, một số người dân Iran nghi ngờ việc chính quyền vội vàng chôn cất bệnh nhân Covid-19 là để "che giấu số ca tử vong" hơn là ngăn chặn sự lây lan của virus.
"Các quan chức nói dối về số người chết. Tôi đã thấy hàng chục thi thể trong vài ngày qua nhưng họ bảo chúng tôi đừng nói về nó" – một nhân viên bệnh viện ở TP Kashan – Iran tiết lộ. Hai y tá tại bệnh viện ở Iran cũng nói với Reuters rằng họ nghĩ số người chết cao hơn so với số liệu chính thức.
Tại Hàn Quốc, nhà chức trách nước này kêu gọi gia đình nạn nhân hỏa táng người thân của họ trước và tổ chức tang lễ sau.
Tổng Thư ký Hiệp hội Tang lễ Hàn Quốc Choi Min-ho cho hay kể từ khi dịch bệnh bùng phát, số người chịu tang tại các đám tang đã giảm tới 90% bất kể người quá cố nhiễm virus hay không. Một số người tham dự đám tang trong thời gian ngắn rồi đi, không ở lại ăn uống như mọi khi. Còn tiền phúng viếng, theo truyền thống được trao bằng tiền mặt, hiện được gửi bằng cách chuyển khoản ngân hàng.
Tổ chức tang lễ: Nguồn lây nhiễm tiềm tàng
Chính quyền TP Vũ Hán – tâm điểm dịch bệnh Covid-19 – lưu ý hoạt động tổ chức tang lễ là một nguồn lây nhiễm virus tiềm tàng. Hồi cuối tháng 1, địa phương này áp dụng quy định tất cả đám tang của bệnh nhân Covid-19 sẽ tổ chức tại nhà tang lễ duy nhất ở quận Hankou.
Mặc dù số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc nói chung và Vũ Hán nói riêng giảm mạnh trong những tuần gần đây, nhiều gia đình vẫn không được phép nhìn mặt thi thể người thân yêu của họ lần cuối. Tro cốt sau khi hỏa táng cũng không được chuyển về nhà trong năm nay.
Tại Tây Ban Nha, một loạt trường hợp nhiễm virus được cho là bắt nguồn từ một đám tang ở thị trấn Vitoria hồi cuối tháng 2. Ít nhất 60 người tham dự tang lễ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Còn tại Ireland, mặc dù nhà chức trách cho phép tới 100 khách mời tham dự nhưng hầu hết các gia đình đang lựa chọn cách tổ chức đám tang nhỏ lẻ, đồng thời khuyến khích mọi người bày tỏ lời chia buồn trực tuyến thông qua các trang web như RIP.ie.
Các quan chức y tế công cộng cho biết nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 từ thi thể bệnh nhân Covid-19 là rất nhỏ nhưng một số quốc gia đang khuyến nghị các biện pháp bổ sung. Bộ Y tế Israel yêu cầu bọc bệnh nhân Covid-19 tử vong trong 2 lớp nhựa không thấm nước rồi chôn cất. Thông thường, người Israel qua đời được yên nghỉ trong một chiếc áo vải và tấm vải liệm. Còn Ireland khuyên các nhân viên tại công ty tang lễ nên đeo khẩu trang cho thi thể trước khi vận chuyển.
Bình luận (0)