Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom hôm 1-4 cảnh báo số người chết vì dịch Covid-19 trên toàn cầu nhanh chóng vượt 50.000 và tổng số ca nhiễm sớm chạm mốc 1 triệu. Nhà lãnh đạo này cho biết WHO, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hỗ trợ miễn trừ nợ để giúp các nước đang phát triển đối phó với ảnh hưởng của đại dịch lên kinh tế và xã hội. Tính đến hôm 2-4, tổng số ca nhiễm và tử vong trên toàn cầu được ghi nhận lần lượt hơn 950.000 và 48.000 trong bối cảnh chính phủ nhiều nước tăng cường các biện pháp phong tỏa và cách ly nghiêm ngặt.
Tại Mỹ, tổng số người thiệt mạng vì Covid-19 đã vượt quá 5.138 ca, với hơn 884 ca tử vong mới được ghi nhận chỉ trong vòng 24 giờ. Đây là số ca tử vong cao kỷ lục được ghi nhận trong một ngày kể từ khi dịch bùng phát tại Mỹ. Đáng chú ý, trong số các ca tử vong mới hôm 1-4 có một trẻ sơ sinh 6 tuần tuổi ở bang Connecticut. Theo dữ liệu của Trường ĐH Johns Hopkins, Mỹ đứng đầu thế giới về số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) với hơn 215.417 ca.
Tổng thống Donald Trump cho hay đang cân nhắc kế hoạch tạm dừng các chuyến bay đến những "tâm dịch" trong nước nhằm nỗ lực ngăn chặn đại dịch có khả năng giết chết ít nhất 100.000 người. Một kế hoạch như vậy có thể sẽ đóng cửa hoạt động tại các sân bay ở New York, New Orleans và Detroit - những khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Tổng thống Donald Trump và các cố vấn trước đó cũng cảnh báo nguy cơ có từ 100.000-240.000 người Mỹ thiệt mạng vì Covid-19 trong những tuần tới.
Một bệnh nhân được đưa vào Trung tâm Y tế Wyckoff Heights ở Brooklyn, TP New York - Mỹ hôm 1-4 Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, thống đốc các bang Florida, Georgia, Mississippi và Nevada đã ban bố các chính sách nghiêm ngặt hôm 1-4 nhằm đối phó đại dịch Covid-19, bao gồm biện pháp cách ly tại nhà. Động thái mới này khiến hơn 80% người Mỹ bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa trong bối cảnh số người chết ở Mỹ tăng gần gấp đôi trong vòng 3 ngày.
Chỉ tính riêng châu Âu, dịch Covid-19 đã cướp đi hơn 30.000 sinh mạng. Trung bình cứ 4 người chết tại châu lục này thì có khoảng 3 người đến từ Ý và Tây Ban Nha. Với hơn 110.574 ca nhiễm hôm 1-4, Ý bị xem là tâm dịch lớn nhất châu Âu và đứng sau Mỹ về số ca nhiễm trên toàn cầu. Tuy nhiên, Ý đứng đầu thế giới về số ca tử vong do Covid-19 với 13.155 trường hợp.
Là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai tại châu Âu, Tây Ban Nha chứng kiến số ca tử vong mới là 950 ca trong một ngày, nâng tổng số người chết lên hơn 10.003. Đây là số ca tử vong cao nhất được ghi nhận trong vòng 24 giờ kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Tổng số ca nhiễm tại Tây Ban Nha lên hơn 110.238.
Chứng kiến số ca nhiễm và tử vong tăng mạnh tại châu Âu, ông Thierry Breton, người đứng đầu ngành công nghiệp châu Âu, hôm 2-4 cho rằng các thành viên của khối này sẽ đạt được sự đồng thuận về việc ban hành các công cụ tài chính mới để giúp Liên minh châu Âu (EU) chống lại cuộc khủng hoảng do Covid-19.
Trước đó, EU đã đề xuất kế hoạch trợ cấp lương để khuyến khích người sử dụng lao động giảm giờ làm của nhân viên thay vì cho họ tạm nghỉ trong thời điểm dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế. Kế hoạch dự kiến cần 100 tỉ euro cho vay.
Úc thử nghiệm tiền lâm sàng vắc-xin chống Covid-19
Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO - cơ quan chính phủ Liên bang Úc chịu trách nhiệm nghiên cứu khoa học) hôm 2-4 thông báo đã bắt đầu giai đoạn đầu tiên của quá trình thử nghiệm vắc-xin chống đại dịch Covid-19, do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra.
Theo Giám đốc Y tế CSIRO Rob Grenfell, các cuộc thử nghiệm tiền lâm sàng đang được tiến hành tại cơ sở an ninh sinh học cao gần TP Melbourne - Úc, với sự hỗ trợ của Liên minh Các sáng kiến ứng phó dịch bệnh (CEPI).
Trong suốt giai đoạn dự kiến kéo dài 3 tháng này, các nhà nghiên cứu sẽ thử nghiệm 2 loại vắc-xin của Trường ĐH Oxford (Anh) và Công ty Công nghệ sinh học Inovio Pharmaceuticals (Mỹ) trên chồn sương. Theo CSIRO, con người và loài vật này có cùng một thụ thể đặc biệt trên các tế bào hô hấp mà SARS-CoV-2 nhắm đến.
Ông Grenfell cho biết các nhà khoa học đang làm việc với tốc độ "đáng kinh ngạc", tiến đến giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng chỉ sau 8 tuần, thay vì 2 năm như thông thường. "Chúng tôi lạc quan về khả năng phát triển thành công vắc-xin trong 18 tháng. Tất nhiên, có nhiều thách thức kỹ thuật chúng tôi phải vượt qua" - ông Grenfell cho biết.
Theo Reuters, CSIRO là tổ chức nghiên cứu đầu tiên bên ngoài Trung Quốc phát triển thành công phiên bản virus được phát triển trong phòng thí nghiệm để tạo tiền đề cho các nghiên cứu tiền lâm sàng về Covid-19.
Cao Lực
Bình luận (0)