Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 1-4 thừa nhận quốc gia của ông đang trên bờ vực khẩn cấp vì đại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) nhưng tình hình chưa nghiêm trọng đến mức phải có bước đi này. Ông Suga nhấn mạnh chính phủ Nhật Bản sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để giảm thiểu tác động của virus, đặc biệt là trong giai đoạn "cực kỳ quan trọng" này.
Với khoảng 2.200 ca nhiễm và 66 ca tử vong, Nhật Bản là quốc gia chịu ảnh hưởng tương đối nhẹ so với Mỹ, Trung Quốc và châu Âu. Dù vậy, bất an gia tăng khi quốc gia này tiếp tục ghi nhận những mức tăng kỷ lục mới và Tokyo hiện là ổ dịch lớn nhất nước với hơn 500 ca nhiễm. Theo cuộc thăm dò mới của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, tâm trạng của các nhà sản xuất công nghiệp nước này đang ở mức bi quan nhất trong 7 năm trở lại đây.
Thủ tướng Shinzo Abe hôm 1-4 tái khẳng định cam kết triển khai gói kích thích kinh tế lớn chưa từng có để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp Nhật Bản trong khủng hoảng Covid-19. Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Thủ tướng Abe đề xuất gói cứu trợ kinh tế trị giá 555 tỉ USD, tương đương hơn 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong đó, hơn 92 tỉ USD sẽ được trao cho người dân dưới dạng tiền mặt, trợ cấp và phiếu giảm giá, theo trang Bloomberg. Theo ông Fumio Kishida, người đệ trình gói cứu trợ nêu trên lên Thủ tướng Abe, các biện pháp hỗ trợ bổ sung có thể được cân nhắc nếu cần và tổng giá trị của gói cứu trợ này có thể lên đến hơn 929 tỉ USD.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đeo khẩu trang tại cuộc họp của thượng viện ở thủ đô Tokyo hôm 1-4. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, theo số liệu tổng hợp của Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ), tổng số người thiệt mạng vì Covid-19 tại quốc gia này đã tăng lên ít nhất 4.076 vào rạng sáng 1-4, cao gấp 2 lần so với 3 ngày trước đó. Đáng chú ý, chỉ trong 24 giờ tính đến thời điểm 20 giờ 30 phút (giờ địa phương) ngày 31-3, Mỹ ghi nhận thêm 865 ca tử vong - mức cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này.
Với tổng số ca nhiễm tăng lên gần 190.000 ca, Tổng thống Donald Trump hôm 31-3 cảnh báo người dân Mỹ sẽ phải đối mặt với "2 tuần rất đau đớn" và hàng ngàn người sẽ mất mạng vì Covid-19. Ông Trump nhấn mạnh việc người dân tuân thủ chỉ dẫn chống đại dịch của chính phủ là "một vấn đề sống còn". Nhà Trắng ước tính tổng số người thiệt mạng vì Covid-19 tại Mỹ có thể lên đến 100.000-200.000 người ngay cả khi tiếp tục duy trì các biện pháp cách ly xã hội hiện nay. Tuy nhiên, chuyên gia về bệnh lây nhiễm hàng đầu của chính phủ Mỹ Anthony Fauci lưu ý "đây là con số chúng ta cần lường trước nhưng không có nghĩa là chúng ta không thể ngăn chặn".
Trong khi đó, bà Deborah Birx, điều phối viên lực lượng phản ứng Covid-19 của Nhà Trắng, khẳng định con số trên có thể thấp hơn rất nhiều nếu toàn dân tuân thủ quy định giữ khoảng cách, thực hiện nghiêm vai trò cá nhân trong việc ngăn chặn virus lây lan. "Hiện không có vắc-xin hay liệu pháp chữa trị kỳ diệu nào. Mỗi hành động của chúng ta có thể thay đổi tình hình đại dịch" - bà Birx khẳng định.
Trong bối cảnh tình hình đại dịch diễn biến phức tạp, theo đài NPR, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield cho biết cơ quan này đang xem xét lại hướng dẫn liên quan đến việc liệu người khỏe mạnh có cần đeo khẩu trang nơi công cộng để bảo vệ bản thân cũng như người khác hay không. Ông Redfield cho biết các dữ liệu mới cho thấy tỉ lệ lây nhiễm cao từ những người mắc virus nhưng chưa bộc lộ triệu chứng.
Trong khi đó, tại Nga, các nhà lập pháp đã bước đầu chấp thuận dự luật cho phép Thủ tướng Mikhail Mishustin ban bố tình trạng khẩn cấp. Dự luật này, được Duma quốc gia (Hạ viện) Nga thông qua hôm 31-3, còn cho phép phạt tù giam 5 năm đối với những đối tượng cố tình phát tán tin giả trong các tình huống khẩn cấp; 7 năm đối với những đối tượng không tuân thủ các quy định về vệ sinh như cách ly. Bước đi trên diễn ra trong bối cảnh số lượng ca bệnh Covid-19 đang tăng nhanh tại Nga, với thêm 440 ca mới hôm 1-4, nâng tổng số lên 2.777.
Nga hỗ trợ Mỹ
Bộ Quốc phòng Nga hôm 1-4 cho biết một máy bay vận tải quân sự Antonov-124 chở "khẩu trang và thiết bị y tế" đã cất cánh để đến Mỹ nhưng không cung cấp thông tin chi tiết. Đoạn video được bộ này chia sẻ cho thấy chiếc Antonov-124 nêu trên cất cánh từ một căn cứ quân sự gần thủ đô Moscow vào rạng sáng cùng ngày. Hãng thông tấn Interfax dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã đề nghị viện trợ thiết bị y tế trong cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump một ngày trước đó và ông chủ Nhà Trắng đã đồng ý.
Bình luận (0)