Ngày 18-4, Nhật Bản ghi nhận thêm 509 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên gần 10.300. Hiện tại số ca tử vong do Covid-19 là 222, tăng 32 người so với một ngày trước đó. Gần 1/3 các trường hợp nhiễm Covid-19 trong nước ở Tokyo, nơi bệnh viện đang quá tải.
Trong một trường hợp mới nhất, xe cứu thương chở một người bị sốt và khó thở đã bị 80 bệnh viện từ chối và buộc phải dành hàng giờ tìm một bệnh viện ở Tokyo có thể điều trị cho bệnh nhân. Một người đàn ông khác cuối cùng cũng tới được bệnh viện sau khi nhân viên y tế không liên lạc được 40 phòng khám.
Hiệp hội Y học cấp tính Nhật Bản và Hiệp hội Y học khẩn cấp ở đây cho biết nhiều phòng cấp cứu đang từ chối điều trị cho mọi người, kể cả những người bị đột quỵ, đau tim và bị thương bên ngoài.
Nhân viên y tế đang ngang lều xét nghiệm Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa Kawakita ở Tokyo. Ảnh: Reuters
Ban đầu, dường như Nhật Bản đã kiểm soát được ổ dịch bằng cách xử lý những cụm lây nhiễm ở các nơi cụ thể, thường là không gian kín như câu lạc bộ, phòng tập thể dục, những nơi gặp gỡ... Tuy nhiên, tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 đã nhanh chân hơn và Nhật Bản không thể lần theo dấu vết của hầu hết các ca nhiễm mới.
Dịch Covid-19 bùng phát phô bày những điểm yếu tiềm ẩn trong việc chăm sóc y tế tại Nhật Bản từ lâu được ca ngợi với hệ thống bảo hiểm chất lượng cao và chi phí hợp lý.
Ngoài việc người dân không tuân thủ giãn cách xã hội, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân Nhật Bản không kiểm soát được dịch là do khả năng hạn chế của chính phủ và thiếu hụt trên diện rộng đồ bảo vệ và trang bị cho nhân viên y tế chống dịch.
Nhật Bản còn thiếu giường bệnh, nhân viên y tế nên việc buộc bất kỳ ai nhiễm virus SARS-CoV-2, thậm chí có triệu chứng nhẹ, vào bệnh viện cũng khiến các bệnh viện quá tải và thiếu nhân viên.
Ca nhiễm Covid-19 ở Tokyo chiếm gần 1/3 tổng ca nhiễm cả nước Nhật. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Ông Yoshitake Yokokura, người đứng đầu Hiệp hội Y khoa Nhật Bản, cho rằng việc không đủ áo bảo hộ, khẩu trang, tấm chắn mặt... đã làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế và khiến việc điều trị bệnh nhân ngày càng khó khăn.
Trong tháng 3, có 931 ca cấp cứu bị hơn 5 bệnh viện từ chối hoặc phải đi khoảng 20 phút trở lên để tới được một phòng cấp cứu. Như vậy, tăng khá nhiều so với 700 ca vào tháng 3 năm ngoái.
Việc lây nhiễm tại một số bệnh viện đã khiến nhân viên y tế phải tự cách ly tại nhà, càng khiến tình trạng thiếu nhân lực tồi tệ hơn. Đội đặc nhiệm chống Covid-19 của chính phủ cảnh báo trong trường hợp xấu nhất là không có biện pháp phòng ngừa, hơn 400.000 người Nhật có thể chết do thiếu máy thở và các thiết bị chăm sóc đặc biệt khác. Trước đó, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết chính phủ đã đảm bảo 15.000 máy thở và đang nhận hỗ trợ thêm từ hãng Sony, Toyota.
Bình luận (0)