Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden hôm 21-12 được tiêm vắc-xin Covid-19 của Công ty Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) trong sự kiện trực tiếp trên sóng truyền hình nhằm chứng minh với người dân rằng vắc-xin an toàn và hiệu quả. Sau mũi tiêm thứ nhất, ông Biden khẳng định "không có gì đáng lo ngại cả" và ông sẽ tiếp tục tiêm liều thứ hai.
Khẳng định phải mất thêm thời gian để phân phối vắc-xin diện rộng, ông Biden kêu gọi người dân lắng nghe lời khuyên của giới chuyên gia y tế và hạn chế di chuyển, ngay cả trong dịp lễ cuối năm. Bên cạnh đó, ông Biden còn dành lời khen cho chính quyền Tổng thống Donald Trump, nói rằng họ xứng đáng được ghi nhận công lao vì đã mang lại "thành công bước đầu" bằng chiến dịch vắc-xin thần tốc Operation Warp Speed.
Tính đến ngày 21-12, theo thống kê của Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ), Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, với hơn 18 triệu ca nhiễm và hơn 319.000 người tử vong.
Theo một phân tích dữ liệu của Reuters, Mỹ tuần rồi ghi nhận mức tăng kỷ lục hơn 18.000 ca tử vong trong 7 ngày - kết thúc vào ngày 20-12, cao hơn 6,7% so với tuần trước đó. Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe của Trường ĐH Washington (Mỹ) dự đoán số người thiệt mạng vì Covid-19 tại Mỹ sẽ đạt đỉnh vào tháng 1-2021, khi quốc gia này ghi nhận thêm hơn 100.000 ca tử vong.
Xe tải đậu gần lối vào cảng Dover -Anh, sau khi các nước EU ban hành lệnh cấm di chuyển từ Anh vì biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ngày 22-12 Ảnh: REUTERS
Các bang và thành phố trên khắp nước Mỹ đã ban bố các biện pháp hạn chế ở nhiều cấp độ khác nhau để làm chậm tốc độ lây nhiễm của virus. Mặc dù chiến dịch tiêm chủng ở Mỹ đã được bắt đầu với 2 loại vắc-xin, của Pfizer-BioNTech và của Công ty Moderna (Mỹ), giới chuyên gia cảnh báo phải mất thêm vài tháng, quốc gia này mới có thể kiểm soát đại dịch.
Cũng trong ngày 21-12, các nước và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới đã đóng cửa biên giới với Anh vì những lo ngại liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch Covid-19. Ấn Độ, Pakistan, Ba Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Nga, Jordan và Hồng Kông (Trung Quốc) đồng loạt thực hiện động thái trên sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo biến thể mới của virus, có khả năng lây nhiễm mạnh hơn 70% so với thể ban đầu, đã được phát hiện tại quốc gia của ông.
Trước đó, nhiều nước cũng đã ban bố lệnh cấm đi lại đến Anh, trong đó có Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Áo, Ireland, Bỉ và Canada. Những bước đi này khiến Anh đối mặt với nguy cơ bị cô lập và thiếu thốn thực phẩm vài ngày trước khi họ rời khối Liên minh châu Âu (EU) trong một tiến trình được gọi là Brexit. "Không tài xế nào muốn chở hàng đến Anh ở thời điểm hiện tại. Vì thế, Anh sẽ thấy nguồn cung cấp hàng hóa của họ cạn kiệt" - Liên đoàn Vận tải đường bộ quốc gia FNTR của Pháp khẳng định.
Trong khi đó, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 22-12 cho biết đang cân nhắc tiến hành các biện pháp nghiêm ngặt hơn nhằm ngăn chặn biến thể mới của virus. Theo NHC, Trung Quốc ghi nhận 15 ca nhiễm mới vào ngày 21-12, trong đó có 13 người nhập cảnh. Dù Trung Quốc chưa phát hiện ca nhiễm liên quan đến biến thể mới của virus nhưng phó giám đốc NHC Feng Zijian nhấn mạnh cơ quan này đang theo dõi sát sao sự lây lan của nó trên toàn thế giới.
Cùng ngày, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun ban bố các biện pháp hạn chế mới nhằm làm chậm tốc độ lây lan của dịch Covid-19. Theo đó, các cuộc tụ tập quá 5 người sẽ bị cấm trong khi các khu trượt tuyết và địa điểm du lịch nổi tiếng sẽ bị đóng cửa kể từ ngày 24-12. Lệnh cấm được áp dụng trên phạm vi cả nước và dự kiến kết thúc vào ngày 3-1-2021.
Theo AP, đây là nước đi quyết liệt nhất được chính phủ Hàn Quốc triển khai để tái phong tỏa sau nhiều tháng nới lỏng. Khu vực Seoul thời gian qua trở thành điểm nóng của làn sóng lây nhiễm mới khiến bệnh viện quá tải và số người thiệt mạng gia tăng.
Thủ tướng Malaysia xung phong tiêm vắc-xin
Thủ tướng Muhyiddin Yassin ngày 22-12 thông báo chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 ở Malaysia sẽ bắt đầu vào tháng 2-2021 và ông là người tiêm đầu tiên để chứng minh vắc-xin an toàn, hiệu quả. Vắc-xin sau đó sẽ được tiêm cho nhân viên chống dịch tiền tuyến, trước khi được dùng cho các nhóm thuộc diện ưu tiên, như người lớn tuổi.
Thủ tướng Yassin còn cho biết chính phủ của ông đã ký hợp đồng với Công ty AstraZeneca (Anh) để mua thêm 6,4 triệu liều vắc-xin. Tháng trước, Malaysia cũng đã ký thỏa thuận với Pfizer và Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc-xin Covid-19 (COVAX) để được cung cấp lần lượt 12,8 triệu và 6,4 triệu liều.
Bình luận (0)