Trong khi các nhà dịch tễ học tiên lượng sự lây lan của Covid-19 có thể lên đến đỉnh điểm trong những tuần tới, các ca nhiễm mới được xác nhận vẫn tiếp tục gia tăng ở Hồ Bắc, đặc biệt là ở TP Vũ Hán. Số ca nhiễm mới được xác nhận trong ngày 14-2 tại Hồ Bắc là 2.420, nâng tổng số ca nhiễm ở tâm dịch này lên 54.406 trường hợp.
Dữ liệu thống do Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc công bố cho thấy số ca nhiễm mới được xác nhận trong ngày 14-2 chỉ bằng 50% so với số liệu của ngày 13-2. Số người tử vong tăng nhẹ với 139 ca tử vong so với 116 ca của ngày trước đó.
Trong số 2.420 ca nhiễm mới được công bố, 1.282 trường hợp được xác nhận nhiễm virus thông qua xét nghiệm, 1.138 người được xác nhận nhiễm qua chẩn đoán lâm sàng, bao gồm chụp cắt lớp và tiến hành một số xét nghiệm khác.
Một cơ sở cách ly ở Vũ Hán. Ảnh: REUTERS
Hồ Bắc tiếp tục là địa phương có nhiều ca nhiễm virus corona nhất Trung Quốc với tổng cộng 54.406 ca được xác nhận. Tổng số người tử vong vì Covid-19 tại Hồ Bắc là 1.457, chiếm hơn 95% số nạn nhân tử vong trên toàn thế giới. TP Vũ Hán có số ca nhiễm mới được xác nhận cao nhất với 1.923 trường hợp.
Bộ Y tế Ai Cập mới đây công bố ca nhiễm virus corona đầu tiên ở châu Phi vào ngày 14-2, nhưng không công bố quốc tịch, mà chỉ cho biết không phải người Ai Cập.
Nhân viên y tế đang kiểm tra ống xét nghiệm Covid-19 tại phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Ảnh: AP
Giữa lúc đợt bùng phát virus chết người khiến một phần của nền kinh tế Trung Quốc rơi vào bế tắc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 14-2 kêu gọi cải thiện hệ thống ứng phó tình huống khẩn cấp trong y tế.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường pháp luật về sức khỏe cộng đồng, ông Tập kêu gọi xem xét lại các luật về phòng ngừa và điều trị bệnh truyền nhiễm, cũng như bảo vệ động vật hoang dã, nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh luật pháp về an toàn sinh học.
Chuẩn bị đồ y tế cho điều trị tại bệnh viện Kim Ngân Đàm ở Vũ Hán. Ảnh: AP
Trong một cuộc họp với lãnh đạo cấp cao ở Bắc Kinh, ông Tập xem đợt bùng phát dịch Covid-19 là phép thử cho hệ thống và năng lực quản trị quốc gia, thừa nhận hệ thống này hiện không đạt được mục tiêu theo yêu cầu.
"Không có sự chuẩn bị đầy đủ cho một thảm họa; các đánh giá rủi ro, nghiên cứu và quản lý chuyên sâu cho các trường hợp khẩn cấp không được thực hiện. Hệ thống giám sát và cảnh báo sớm không đầy đủ, nền tảng của quản lý khẩn cấp cần phải được tăng cường" – ông Tập Cận Bình nói.
Việc xử lý khủng hoảng, bắt đầu tại "ổ dịch" Vũ Hán vào tháng 12 và lây nhiễm hơn 63.000 người ở khắp Trung Quốc, dẫn đến làn sóng chỉ trích công khai, với nhiều nghi vấn về phản ứng của chính quyền địa phương, cập nhật thông tin chậm, thiếu hụt các nguồn cung y tế nhằm bảo vệ cho nhân viên y tế tuyến đầu.
Bình luận (0)