Con virus lây lan nhanh trong đám đông và xâm nhập vào những người có tiếp xúc gần. Việc ngăn chặn bùng phát dịch đòi hỏi bước truy vết tiếp xúc cũng như cách ly và chữa trị cho người bệnh trong nhiều tuần hoặc tháng. Căn bệnh quái ác này đã lan đến khắp nơi trên thế giới. Đó là bệnh lao, căn bệnh truyền nhiễm chết người nguy hiểm nhất toàn cầu khi cướp đi sinh mạng của 1,5 triệu người mỗi năm.
Cho đến năm nay, bệnh lao và những đồng minh chết người của nó, HIV và bệnh sốt rét, đã bị đẩy lùi. Số người tử vong vì những căn bệnh này trong thập kỷ qua đã xuống mức thấp nhất vào năm 2018.
Tuy nhiên, trong khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên thế giới và tiêu tốn tài nguyên y tế toàn cầu, những kẻ thù bị lãng quên đang dần trở lại. "Những rủi ro Covid-19 mang lại đã phá hỏng mọi nỗ lực và mang chúng ta quay lại 20 năm trước" - bác sĩ Pedro L. Alonso, giám đốc toàn cầu về bệnh sốt rét tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhận xét.
Một bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện dã chiến ở TP Mexico City - Mexico. Ảnh: NYT
Covid-19 đã chuyển hướng sự chú ý của các nhà khoa học khỏi bệnh lao, HIV và sốt rét. Chưa hết, những đợt phong tỏa, đặc biệt là ở các khu vực châu Phi, châu Á và Mỹ Latin, tạo ra những rào cản không thể phá bỏ với những bệnh nhân phải ra nước ngoài để được chẩn đoán hoặc mua thuốc.
Nỗi sợ Covid-19 và việc đóng cửa các phòng khám đã khiến nhiều bệnh nhân đang vật lộn với HIV, lao và sốt rét lao đao. Thêm vào đó, hạn chế di chuyển với đường hàng không và đường biển đã khiến việc vận chuyển thuốc đến những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất gặp khó khăn.
Theo thông tin của Liên Hiệp Quốc (UN), khoảng 80% các tổ chức về bệnh lao, HIV và sốt rét trên toàn thế giới đã bị gián đoạn hoạt động và cứ 1 trong 4 bệnh nhân mắc HIV đang gặp khó khăn trong việc mua thuốc thang. Sự gián đoạn hay trì hoãn điều trị AIDS có thể dẫn tới khả năng kháng thuốc, vốn là một vấn đề nghiêm trọng ở nhiều nước.
Tại Ấn Độ, nơi chiếm khoảng 27% ca bệnh lao trên thế giới, các chẩn đoán đã giảm gần 75% kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tại Nga, các phòng khám HIV bị chuyển thành nơi xét nghiệm Covid-19.
Một người tị nạn Somali mắc bệnh lao cầm tấm chụp x-quang phổi của chính mình tại một khu trại ở Djibouti. Ảnh: Aurélia Rusek
Mùa sốt rét đã bắt đầu ở Tây Phi, nơi chiếm 90% các trường hợp tử vong vì sốt rét trên thế giới nhưng các biện pháp phòng ngừa bình thường đã bị hạn chế vì lệnh phong tỏa. Theo ước tính, một đợt phong tỏa kéo dài 3 tháng ở những khu vực khác nhau trên thế giới và quá trình trở lại cuộc sống bình thường trong hơn 10 tháng có thể kéo theo 6,3 triệu ca mắc bệnh lao và 1,4 triệu người chết vì căn bệnh này.
WHO cho biết 6 tháng gián đoạn điều trị bằng thuốc kháng virus có thể gây ra thêm hơn 500.000 cái chết vì các bệnh liên quan đến HIV. Theo dự đoán của WHO, trong trường hợp xấu nhất, những ca tử vong vì sốt rét có thể tăng gấp đôi lên 770.000 ca/năm.
Nhiều chuyên gia y tế cộng đồng cảnh báo nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn, virus SARS-CoV-2 có thể kéo thế giới thụt lùi nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ, trong quá trình chống lại bệnh lao, HIV và sốt rét. Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét ước tính sẽ cần đến 28,5 tỉ USD để giảm thiểu thiệt hại trên, một số tiền khó có thể hiện thực hóa.
Chiếu theo lịch sử, ảnh hưởng của Covid-19 đến người nghèo có thể kéo dài một thời gian sau khi dịch bệnh chấm dứt. Ví dụ, cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội ở Đông Âu vào những năm 1990 dẫn đến tỉ lệ người mắc bệnh lao kháng nhiều loại thuốc cao nhất thế giới.
Covid-19 đang kéo thế giới đi lùi sau những thành tựu đạt được trong việc phòng chống bệnh lao, HIV và sốt rét. Ảnh: Yudha Baskoro
Điểm bắt đầu của chuỗi sự kiện đau buồn là sự thất bại trong chẩn đoán. Khi thời gian phát hiện bệnh càng lâu và thời điểm điều trị bắt đầu càng muộn, một dịch bệnh chết người càng có khả năng lan rộng, tàn phá và giết người.
Các cơ sở hạ tầng được xây dựng để chẩn đoán HIV và bệnh lao đã mang lại nhiều lợi ích cho các nước đang chống dịch Covid-19 vì chúng cũng có thể được dùng để phát hiện virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các phòng khám lại chỉ dùng những thiết bị này để xét nghiệm Covid-19. Một chuyên gia y tế nhìn nhận đây là hành động rất ngu ngốc từ góc độ sức khỏe cộng đồng.
Tại nhiều nước, Covid-19 đã gây ra tình trạng sụt giảm trong việc chẩn đoán bệnh lao. Không những thế, đại dịch còn thu hẹp nguồn cung cấp các xét nghiệm chẩn đoán những căn bệnh chết người này vì các công ty chuyển sang thực hiện các xét nghiệm tốn kém hơn để phát hiện Covid-19. Được biết, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 sinh lời khoảng 10 USD trong khi xét nghiệm nhanh sốt rét chỉ mang lại 18 cent.
Covid-19 đã cản trở việc cung cấp của các loại thuốc trị HIV, lao và sốt rét trên toàn thế giới khi gián đoạn chuỗi cung ứng, chuyển hướng năng lực sản xuất và đặt ra các rào cản vật lý cho những bệnh nhân phải đến các phòng khám xa xôi để lấy thuốc.
Một người đàn ông phun thuốc vào khu dân cư để ngăn chặn các dịch bệnh do muỗi gây ra tại Ahmedabad - Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Và tình trạng thiếu hụt này đang buộc một số bệnh nhân phải hạn chế dùng thuốc và gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu không có thuốc, những bệnh nhân mắc HIV và lao có thể sẽ trở bệnh nặng trong thời gian ngắn. Về lâu dài, hậu quả sẽ càng nghiêm trọng hơn với sự gia tăng các dạng kháng thuốc. Những bệnh nhân bị lao kháng thuốc sẽ được theo dõi chặt chẽ trong quá trình điều trị nhưng hoạt động này hầu hết đã bị tạm ngưng trong đại dịch Covid-19.
Theo thống kê của WHO, có ít nhất 121 nước báo cáo về số bệnh nhân lao đi khám bệnh ngày càng ít từ khi Covid-19 bắt đầu, đe dọa những thành tựu khó khăn lắm mới đạt được hiện nay. "Điều này thật sự khó chấp nhận. Chúng ta mất rất nhiều công sức mới đạt được những gì chúng ta có hiện nay. Dù vẫn chưa lên được đỉnh núi nhưng chúng ta đã cách xa chân núi. Nhưng một trận tuyết lở đã đẩy chúng ta xuống đáy" - bác sĩ Lucica Ditiu, người đứng đầu tổ chức Quan hệ Đối tác Phòng chống Lao, nói.
Tại nhiều nơi, lệnh phong tỏa được ban hành gấp rút đến mức các kho dự trữ thuốc nhanh chóng cạn kiệt. Cho dù nhiều chính phủ đã chuẩn bị bằng cách trữ thuốc trước nhiều tháng với sự giúp đỡ của các cơ quan viện trợ lớn, nguồn cung toàn cầu có thể sớm hết sạch. Cơn sốt về chloroquine như một phương pháp điều trị Covid-19 tiềm năng đã dẫn đến việc tích trữ loại thuốc này ở một số quốc gia như Myanmar, khiến nguồn cung toàn thế giới bị vắt kiệt.
Các tổ chức viện trợ và chính phủ các nước đang cố gắng giảm thiểu thiệt hại bằng cách mở rộng nguồn cung cấp và dự trữ thuốc. Vào tháng 6, WHO đã thay đổi khuyến nghị cho việc điều trị bệnh lao kháng thuốc. Thay vì tiêm thuốc trong vòng 20 tháng, bệnh nhân có thể chuyển sang đường uống trong 9 đến 11 tháng và không cần đến phòng khám. Tại một số ít các nước như Nam Phi, hầu hết bệnh nhân đã lấy thuốc từ các trung tâm cộng đồng thay vì bệnh viện.
Bình luận (0)