Số lượng thảm họa liên quan đến khí hậu đã tăng cao kỷ lục tại châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2020, ảnh hưởng đến hàng chục triệu người đang lao đao bởi dịch Covid-19.
Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) hôm 16-12 cho biết họ đã ứng phó với 24 cuộc khủng hoảng liên quan đến khí hậu (bão lũ, thời tiết cực lạnh, hạn hán kéo dài...) tại khu vực này trong năm nay, so với con số 18 vào năm ngoái. Ông Maarten van Aalst, Giám đốc Trung tâm Khí hậu Chữ thập đỏ Trăng lưỡi liềm đỏ, nhận định với Reuters rằng dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm các tác động đến từ biến đổi khí hậu.
"Dịch bệnh không chỉ làm phức tạp thêm nỗ lực sơ tán và ứng phó thảm họa, mà còn khiến tác động kinh tế của thảm họa thêm tồi tệ, nhất là đối với người nghèo" - chuyên gia này nhận định.
Người dân được sơ tán tại một khu vực ngập lụt ở tỉnh Rizal, Philippines hôm 12-11 qua.Ảnh: Reuters
Theo Báo cáo Thảm họa Thế giới mới nhất của IFRC, các thảm họa liên quan đến khí hậu đã làm xáo trộn cuộc sống của hơn 94 triệu người tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm ngoái. Hiện IFRC chưa công bố con số cập nhật của năm nay. Ông Van Aalst nhận định nhiều nước dù đã cải thiện năng lực cứu người trong thảm họa nhưng vẫn chưa thể bảo vệ được sinh kế của các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Ông nhắc đến sự kiện bão Amphan hoành hành ở Ấn Độ và Bangladesh hồi tháng 5 qua. Nỗ lực sơ tán người dân trước khi bão đổ bộ giúp giảm đáng kể con số thương vong. Dù vậy, thiệt hại về kinh tế vẫn nghiêm trọng, ước tính lên đến hơn 13 tỉ USD. Một số chuyên gia nhận định biến đổi khí hậu sẽ chỉ khiến tình hình thêm tồi tệ trong những năm tới. Họ chỉ ra xu hướng rằng các cơn bão ngày một mạnh trong 10 năm qua đã làm thiệt mạng hàng ngàn người.
Vào tháng rồi, một báo cáo khác của IFRC kêu gọi thế giới cần ứng phó với biến đổi khí hậu cũng khẩn cấp như với cuộc khủng hoảng Covid-19. Báo cáo này cho biết hơn 100 thảm họa, phần lớn liên quan đến khí hậu, đã xảy ra kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch hồi tháng 3.
Theo IFRC, điều đáng lo là tần suất và cường độ của các sự kiện thời tiết cực đoan hoặc liên quan đến khí hậu đã tăng dần từ những năm 1960. Theo tính toán, số lượng thảm họa liên quan đến khí hậu hoặc thời tiết đã tăng gần 35% kể từ thập niên 1990. Còn trong 10 năm qua, các thảm họa loại này đã khiến hơn 410.000 người thiệt mạng và ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 1,7 tỉ người. Nếu chỉ tính riêng năm 2019, khoảng 24.400 người đã thiệt mạng trong 308 thiên tai xảy ra trên thế giới, trong đó 77% vụ liên quan đến khí hậu hoặc thời tiết.
Theo Tổng Thư ký IFRC Jagan Chapagain, nghiên cứu của hiệp hội này cho thấy thế giới hiện vẫn chưa bảo vệ được những cộng đồng dễ bị ảnh hưởng và tổn thương nhất trước rủi ro khí hậu. Ngoài ra, theo Reuters, một số quốc gia có nguy cơ hứng chịu nhiều thảm họa liên quan đến khí hậu nhất lại không được hỗ trợ đủ về tài chính để thích ứng với biến đổi khí hậu. IFRC ước tính rằng cần khoảng 50 tỉ USD mỗi năm để giúp 50 nền kinh tế đang phát triển thích ứng với khí hậu đang thay đổi trong thập kỷ tới.
Vừa cứu trợ vừa lo dịch bệnh
Cũng theo IFRC, Đông Nam Á là nơi hoạt động bận rộn nhất của IFRC tại châu Á - Thái Bình Dương trong năm nay. Tổ chức này đã tiến hành ứng phó với 15 thảm họa, như bão lũ và lở đất nghiêm trọng..., ảnh hưởng đến hơn 31 triệu người. Bà Jess Letch, quan chức phụ trách hoạt động khẩn cấp của IFRC, nhận định một trong những thách thức lớn của họ là làm sao vừa cứu trợ những cộng đồng bị thiên tai hoành hành vừa có những bước đi cần thiết nhằm ngăn sự lây lan của Covid-19.
Bình luận (0)