Nhân vật mới nhất vừa thông báo từ chức hôm 9-10, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Nikki Haley, là cú sốc lớn hơn cả.
Mối đe dọa tiềm tàng
Nguyên nhân cũng như hệ quả của quyết định bất ngờ từ nữ đại sứ nổi bật và có tham vọng chính trị lớn này sẽ tiếp tục được theo dõi chặt chẽ trên toàn thế giới, cũng như làm nóng các mặt báo không chỉ ở nước Mỹ trong những ngày tới.
Quyết định rời bỏ vị trí trên sau khoảng 1 năm rưỡi đảm trách của bà Haley không phải quá bất thường. Thực tế, bà đã tại vị lâu hơn phân nửa trong số 10 người tiền nhiệm gần nhất của mình. Thế nhưng, Washington vẫn không khỏi ngỡ ngàng.
Theo các nhà phân tích, quyết định "dứt áo" của Đại sứ Haley vào thời điểm bà đang đảm nhận khá tốt công việc là một cú sốc chính trị lớn đối với Tổng thống Trump khi cuộc bầu cử giữa kỳ đang tới gần.
Lập tức dấy lên những suy đoán về việc tại sao một trong những ngôi sao đang lên trong "đội của ông Trump" lại chọn ra đi vào cuối năm nay, với phần lớn ý kiến tập trung vào khả năng bà sẽ ra tranh cử. Tuy nhiên, phát biểu trước giới truyền thông tại Nhà Trắng với ông chủ Nhà Trắng ngồi bên cạnh, bà Haley nhấn mạnh không tranh cử tổng thống năm 2020 và sẽ ủng hộ ông Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley tại Nhà Trắng hôm 9-10 Ảnh: REUTERS
Tuyên bố mạch lạc này được cho là làm rõ sự trung thành với vị lãnh đạo đã chọn bà vào ghế đại sứ Mỹ tại LHQ chỉ 4 ngày sau khi ông nhậm chức hôm 20-1-2017. Thế nhưng, nó vẫn không thể khỏa lấp những đe dọa tiềm tàng với Tổng thống Trump.
Nữ đại sứ 46 tuổi đã tạo dựng tiếng tăm chính trị riêng và có nhiều triển vọng sự nghiệp trong tương lai.
"Bà ấy là một ngôi sao đang lên còn ông (Trump) là lãnh đạo, do vậy thường có mâu thuẫn ở đây. Về mặt chính trị, bất cứ ngôi sao nào trong đảng đều là mối đe dọa với ông Trump" - ông Mike Murphy, một nhà chiến lược của Đảng Cộng hòa, nhận định.
Đứng sang một bên
Vậy đối với thế giới, sự ra đi của bà Haley mang ý nghĩa gì? Khi ngoại trưởng đầu tiên của ông Trump, ông Rex Tillerson, tỏ ra "mất đà" trên truyền thông, bà Haley trở thành tiếng nói cho chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ.
Đối với nhiều nhân vật trong Đảng Cộng hòa, bà Haley được coi là một trong số ít "người lớn" trong chính quyền ông Trump về chính sách đối ngoại khi thúc đẩy ý tưởng "nước Mỹ trên hết" không có nghĩa là "nước Mỹ đơn độc".
Nữ đại sứ từng là thống đốc bang Nam Carolina đã âm thầm chống đối một số chính sách của Washington, như giảm số người tị nạn tái định cư tại Mỹ và giữ lập trường công khai cứng rắn hơn với Nga so với ông chủ Nhà Trắng.
Bà Haley không tiết lộ lý do từ chức, chỉ nói rằng điều quan trọng là "nhận thức được thời điểm cần đứng sang một bên sau một chuỗi nhiệm vụ đầy thử thách".
Ngoài ra, bà không đả động tới những cáo buộc chi tiêu tài chính không phù hợp được đưa ra chỉ vài giờ trước thông báo quyết định từ chức.
Bà cũng không bình luận về những suy đoán đang tìm kiếm công việc lương cao hơn trong lĩnh vực tư nhân khi mà nợ nần cá nhân (theo số liệu năm 2017) đã lên tới 1 triệu USD.
Trong khi đó, truyền thông Mỹ hồi tháng trước từng loan tin chỗ đứng của nữ đại sứ bắt đầu kém quan trọng hơn trong những tháng gần đây. Người ta cho rằng ít nhiều bà đã bị đẩy khỏi vòng tròn quyền lực thân cận với ông Trump sau khi cố vấn An ninh quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo nhậm chức.
Về phần mình, Tổng thống Trump nói với báo giới rằng người kế nhiệm bà Haley sẽ được công bố trong 2-3 tuần tới. Bà Dina Powell, người rời chính quyền sau 1 năm đảm nhiệm vị trí phó cố vấn Chiến lược An ninh quốc gia, đang là cái tên được nhắc tới nhiều nhất.
Bình luận (0)