Bước đi này đánh dấu lần đầu tiên Mỹ liệt lực lượng quân sự của một quốc gia vào danh sách tổ chức khủng bố, dẫn đến động thái tương tự của Iran nhằm vào Bộ Tư lệnh trung ương Mỹ.
IRGC được thành lập sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979 và hiện đóng vai trò đáng kể trong nền kinh tế Iran, có doanh nghiệp riêng hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Một số công ty trong số này đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo đài CNN, hồi năm 2017, ông Mike Pompeo, khi đó là giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), ước tính IRGC có thể kiểm soát 20% GDP của Iran nhưng con số thực tế vẫn chưa rõ.
Các thành viên Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Ảnh: Reuters
Theo tuyên bố của Nhà Trắng hôm 8-4, bất kỳ ai hợp tác với IRGC đều bị xem là tài trợ khủng bố. Nhưng tại Iran, rất khó để bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào tránh làm ăn với IRCG hay các thực thể do lực lượng này kiểm soát hoặc có liên hệ. Chưa kể việc xem IRGC là tổ chức khủng bố không giúp giảm bớt ảnh hưởng của Iran tại Iraq nhưng lại khiến lực lượng quân sự và giới ngoại giao Mỹ ở Iraq thêm gặp khó trong việc theo đuổi mục tiêu ngăn tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hồi sinh.
Chưa hết, bà Emily Hawthorne, nhà phân tích Trung Đông và Bắc Phi tại Công ty Tình báo địa chính trị Stratfor (Mỹ), nói với đài CNBC hôm 9-4 rằng bước đi chưa từng có tiền lệ của ông Trump sẽ khiến các cuộc đàm phán trong tương lai với Iran khó khăn hơn. "Nếu muốn thương thảo với chính phủ hoặc quân đội Iran, chính phủ Mỹ tương lai sẽ phải đưa IRGC khỏi danh sách này. Nếu không, về mặt kỹ thuật, họ sẽ đang thương thảo với một tổ chức khủng bố" - bà Hawthorne giải thích. Dù vậy, nữ chuyên gia này trấn an những diễn biến mới hôm 8-4 khó có thể đẩy Mỹ và Iran vào một cuộc xung đột quân sự.
Bình luận (0)