Giới quan sát nhìn nhận khó kết luận ai sẽ là người đứng đầu trong cuộc đua không thể đoán trước này. Đây có lẽ là chiến dịch bầu cử kỳ lạ nhất với một kết quả không chắc chắn nhưng lại tác động không nhỏ đối với châu Âu.
Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni bỏ phiếu tại một điểm ở thủ đô Rome ngày 4-3 Ảnh: REUTERS
Theo đài BBC, Phong trào Năm sao của lãnh đạo trẻ Luigi Di Maio, Đảng Dân chủ cầm quyền và liên minh cánh hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đều được dự đoán có khả năng giành chiến thắng. Các cuộc thăm dò ý kiến bị cấm trong suốt 2 tuần diễn ra chiến dịch tranh cử nhưng các cuộc khảo sát trước đó cho thấy liên minh của cựu thủ tướng 81 tuổi dù dẫn trước vẫn không có khả năng giành chiến thắng áp đảo. Trong khi đó, Phong trào Năm sao được dự đoán sẽ trở thành đảng lớn nhất.
Giới chính khách Ý tỏ ra cứng rắn hơn về vấn đề nhập cư khi hơn 600.000 người đến nước này từ năm 2013 gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân địa phương. Ông Berlusconi, người từng 4 lần làm thủ tướng, gọi sự hiện diện của những người di cư bất hợp pháp là "quả bom hẹn giờ của xã hội" và cam kết trục xuất hàng loạt. Chiến dịch này đã chứng kiến nhiều cuộc đụng độ bạo lực giữa những người ủng hộ đảng cực hữu với phe chống phát xít.
Theo báo Spielgel (Đức), liên minh cánh hữu của ông Berlusconi gồm Đảng Forza Italia (Nước Ý tiến lên), Đảng Liên đoàn phương Bắc cực hữu và đảng cực hữu Fratelli d’Italia có nhiều cơ hội giành chiến thắng. Trong trường hợp liên minh này không giành được thế đa số, tình huống "nghị viện treo" có thể xảy đến với 3 phe giành được số phiếu tương đương và ở thế đối đầu nhau.
Ông Lorenzo Pregliasco, đồng sáng lập tổ chức thăm dò dư luận YouTrend, nhìn nhận với hãng tin Reuters: "Khó thể đoán được đảng hay liên minh nào sẽ giành đủ 40% số ghế cần thiết để thành lập chính phủ trong khi Đảng Phong trào Năm sao có một số động lực mạnh mẽ vào những ngày cuối của chiến dịch tranh cử".
Đảng Phong trào Năm sao đặc biệt thành công khi tập trung khai thác tâm lý bất mãn về tình trạng kém phát triển của đất nước tại khu vực phía Nam và cam kết duy trì mức lương phổ biến hằng tháng cho người nghèo lên tới 960 USD. Về quan điểm tranh cử, trong một thời gian dài, Phong trào Năm sao đã tránh gắn mình với các khuynh hướng tả - hữu truyền thống. Về sau, họ bị nhận định là càng ngày càng có xu hướng dân túy và hữu khuynh, chống người nhập cư, nghi ngờ Liên minh châu Âu (EU).
Trong khi đó, dù các nhà đầu tư tỏ ra lạc quan về cuộc bỏ phiếu, tình trạng bế tắc chính trị kéo dài suốt thời gian qua ở Ý vẫn tiềm ẩn nguy cơ khơi dậy mối đe dọa về bất ổn thị trường. Cuộc bầu cử ngày 4-3 ở Ý không chỉ quyết định định mệnh cho nền kinh tế lớn thứ 4 của EU mà còn ảnh hưởng đến tương lai của khu vực đồng euro này.
Song song đó, đây lại là cuộc tranh cử gây ngạc nhiên khi không có hoạt động tuyên truyền trên đường phố, không có cuộc tranh luận nào giữa các ứng cử viên trên truyền hình; còn báo chí địa phương chỉ đề cập các câu chuyện châm biếm về những ứng viên từ các cáo buộc trộm cắp, gian lận đến lạm dụng vợ.
Bình luận (0)