Tháng 9 sẽ là một tháng đầy lo lắng ở Đông Âu. Vào ngày 14-9, Nga tiến hành cuộc tập trận quân sự có thể là lớn nhất kể từ thời chiến tranh lạnh. Tại Ba Lan, Ukraine, Lithuania, Latvia, Estonia và các nơi khác, các quan chức công khai bày tỏ lo ngại cuộc tập trận "Zapad (phương Tây) 2017" gần biên giới các nước này sẽ được sử dụng làm bình phong cho một cuộc tấn công quân sự.
Tổng thống Nga Vladimir Putin xem cả vũ khí quy ước và hạt nhân là công cụ hữu ích để tái khẳng định vị thế của Moscow là một cường quốc và đe dọa những kẻ thù gần đó. Ba năm sau khi Nga sáp nhập Crimea, hoạt động quân sự của Moscow đang tăng đáng kể.
Moscow, Washington và các chính phủ phương Tây khác hiểu rằng bất kỳ xung đột trực tiếp nào giữa Nga và phương Tây sẽ là thảm họa. Thay vào đó, cuộc đối đầu giữa hai bên xấu đi theo những cách rộng lớn và thường là kỳ lạ hơn.
Tổng thống Vladimir Putin tại lễ diễu binh nhân ngày Hải quân Nga ở TP St Petersburg hồi tháng 7 Ảnh: TASS
Trong khi nhiều người Mỹ đổ lỗi cho Moscow thì không ít người Nga lại thấy khác. Một phần nguyên nhân là bộ máy truyền thông của Điện Kremlin không ngừng đẩy mạnh thông điệp rằng Moscow phải tự khẳng định mình để tránh bị bao vây và rơi vào cảnh nghèo, trong lúc mô tả phương Tây là một nơi hỗn loạn, tham nhũng và nham hiểm.
Những quan điểm như vậy ăn sâu vào suy nghĩ của người Nga. Một báo cáo do Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ công bố hồi tháng 6 kết luận giới lãnh đạo cấp cao Nga thật sự tin rằng Washington có ý định lật đổ họ, đặc biệt là dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Niềm tin đó tạo ra ngày càng nhiều mối đe dọa, gây tổn hại, bất ổn cho cả hai bên và điều này chưa có dấu hiệu sụt giảm. Hôm 2-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump chịu khuất phục trước áp lực của lưỡng đảng (Cộng hòa và Dân chủ) khi ký dự luật áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga theo yêu cầu của Quốc hội.
Vào cuối thời kỳ chiến tranh lạnh, các nhà lãnh đạo phương Tây đã có quyết định thận trọng nhằm lôi kéo Moscow vào các cơ cấu kinh tế của phương Tây để củng cố hòa bình. Các biện pháp trừng phạt mới nhất có thể là chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài chôn cất hướng tiếp cận đó.
Viết trên trang Facebook cá nhân, Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev mô tả động thái đó là "chiến tranh kinh tế", nói rằng Moscow đã chấm dứt bất kỳ hy vọng nào về việc hàn gắn quan hệ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Ngay cả khi cuộc chiến ủy nhiệm mà Washington và Nga đang tiến hành ở Syria dường như đang giảm nhiệt, một cuộc chiến tương tự tại Ukraine lại leo thang. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis gần đây tuyên bố chính phủ nước này đang cân nhắc cung cấp vũ khí gây sát thương - chủ yếu là rốc-két chống tăng do Mỹ sản xuất - để Kiev sử dụng trong cuộc chiến đang diễn ra với phần tử ly khai ở miền Đông.
Trong khi đó, Moscow lấn sâu hơn vào cuộc đối đầu giữa Washington và Bình Nhưỡng. Vào tháng rồi, các máy bay ném bom hạt nhân của Nga đã thăm dò không phận Nhật Bản và Hàn Quốc. Moscow khuyến khích công dân du lịch đến Triều Tiên, từ đó chắc chắn làm phức tạp thêm bất kỳ quyết định nào của Mỹ liên quan đến hành động quân sự trên bán đảo Triều Tiên.
Sự can thiệp bị nghi ngờ của Nga vào chính trường phương Tây giờ đây không dừng lại ở tấn công mạng và tiết lộ những thông tin nhạy cảm - vốn bị cáo buộc trong các cuộc bầu cử ở Mỹ và Pháp. Các chuyên gia truyền thông xã hội cho biết một loạt tài khoản Twitter, trang web và mạng xã hội nghi do Nga điều hành đang tích cực đưa những câu chuyện gây tranh cãi vào các cuộc thảo luận chính trị ở Mỹ và châu Âu.
Hôm 6-8, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster cáo buộc Moscow và ông Putin nói riêng, tìm cách "chia rẽ châu Âu" bằng thông tin sai lệch.
Trong những năm đầu nắm quyền, quyền lực của ông Putin chủ yếu đến từ sự thịnh vượng của kinh tế và sự ổn định của Nga. Tuy nhiên, bộ máy tuyên truyền của Điện Kremlin giờ đây tập trung vào vai trò của ông trong việc khôi phục lại niềm tự hào quân sự và dân tộc của đất nước. Nếu các biện pháp trừng phạt bắt đầu làm suy yếu nền kinh tế Nga, hoạt động này có thể càng được tăng cường.
Vào lúc này, tất cả các bên rõ ràng thích đối đầu thông qua những chiến thuật kinh tế, chính trị và những gì phi chính thống hơn là quân sự. Dù vậy, cuộc tập trận Zapad sắp tới có lẽ sẽ đi theo khuôn mẫu được xem là truyền thống của Nga lúc này - kết thúc bằng cuộc tấn công hạt nhân mô phỏng nhằm vào một thành phố hoặc lực lượng quân sự của kẻ địch.
Theo các quan chức phương Tây, cuộc tập trận "Zapad" hồi năm 2013 đã chọn Warsaw - Ba Lan làm mục tiêu trong vụ tấn công mô phỏng như thế trong lúc các nội dung tập trận khác nhằm vào Thụy Điển cũng như một đội tàu chiến của NATO. Đó là cách Moscow nhắc nhở các nước láng giềng và những đối thủ tiềm năng về những tổn thất có thể có nếu căng thẳng leo thang quá cao.
Bình luận (0)