Dưới đây là 3 điểm cần lưu tâm khi cuộc xung đột giữa nhà lãnh đạo Mỹ và ông trùm bất động sản New York đang nóng dần lên theo cuộc bầu cử sắp diễn ra vào tháng 11 tới.
Vấn đề cá nhân
Đầu năm 2011, ông Trump nêu bật mối nghi ngờ về giấy khai sinh của Tổng thống Obama, đồng thời châm ngòi cho các cuộc tranh luận về nơi sinh của nhà lãnh đạo Mỹ trước thời điểm ông tuyên bố tái tranh cử nhiệm kỳ 2.
Cuối năm đó, Tổng thống Obama công khai chế giễu ông Trump tại một sự kiện trang trọng ở thủ đô Washington. Theo các nhà bình luận, lần bẽ mặt này khiến tỉ phú New York quyết định ra tranh cử tổng thống và hiện tại trở thành ứng viên sáng gia của Cộng hòa.
Trong năm qua, ông Trump liên tục đặt câu hỏi về chính sách của Tổng thống Obama đối với cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, đặc biệt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria.
Gần đây nhất, hôm 12-6, ông Trump mô tả Tổng thống Obama là người “lộn xộn, không thông minh hoặc đang nghĩ gì khác trong tâm trí”.
Đáp lại, ông chủ Nhà Trắng hôm 14-6 có bài phát biểu thể hiện sự tức giận cao độ trước đề xuất kỳ thị tôn giáo của ứng viên Cộng hòa. Ông Trump sau đó phản pháo, gọi Tổng thống Obama là “kẻ phản quốc”.
Vấn đề chiến lược
Trong lịch sử chính trị Mỹ hiện đại, hiếm có khi nào một tổng thống đương nhiệm công khai chỉ trích ứng viên phe đối thủ trong thời gian chuẩn bị cho một cuộc tổng tuyển cử. Nhưng lần này có thể là một ngoại lệ.
Tổng thống Obama trước đó tuyên bố ông sẽ ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton. Đối thủ trực tiếp của bà Clinton là ông Trump. Do vậy, tỉ phú Mỹ sắp tới sẽ phải đối phó với 2 “ứng viên” của phe Dân chủ, trong khi ông mới chỉ nhận được sự hỗ trợ từ một số nghị sĩ đồng đảng cho đến thời điểm hiện tại.
Sau bài phát biểu của Tổng thống Obama hôm 14-6, Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa đã ban hành một thông cáo báo chí không đề cập tới Donald Trump cũng như đề xuất cấm người Hồi giáo nhập cư của ông. Thay vào đó, ủy ban này tập trung vào Luật sửa đổi thứ hai và quyền sở hữu súng đạn.
Càng đáng lo ngại hơn cho ông Trump khi tỉ lệ ủng hộ ông Obama trong các cuộc thăm dò gần đây là trên 50% và vẫn có xu hướng tăng thêm. Đã vậy, ông Obama không phải ứng cử viên nên ông có thể tự do phát ngôn, gây thêm áp lực cho tỉ phú Trump.
Một cuộc đụng độ giữa 2 thế giới quan
Ngoài những khác biệt cá nhân và chính trị, Tổng thống Obama và ông Trump còn thể hiện góc nhìn khác nhau đối với vai trò của Mỹ trên trường quốc tế. Trong khi Tổng thống Obama xem nước Mỹ là một phần của một trò chơi toàn cầu thì ông Trump hướng tới chính sách “nước Mỹ trước tiên”, trong đó hợp tác quốc tế chỉ là trò vô bổ.
Về thương mại, Tổng thống Obama ủng hộ các thỏa thuận như Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông lập luận các thỏa thuận này sẽ làm tăng sự thịnh vượng và ràng buộc các quốc gia toàn cầu với nhau về mặt kinh tế. Còn ông Trump nhận định TPP sẽ giúp các đối thủ của Mỹ nằm ở chiếu trên, đồng thời gọi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là một thảm họa.
Trong khi Tổng thống Obama xem vấn đề nhập cư chủ yếu mang lại nhiều lợi ích thì ông Trump thấy đó là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và thịnh vượng kinh tế.
Bình luận (0)