Cuộc đối đầu tranh giành ảnh hưởng giữa các nhà tài phiệt Ukraine đang diễn ra trong bối cảnh chiến sự và thảm họa nhân đạo ở miền Đông nước này. Thực ra, cuộc chiến giữa các nhân vật có ảnh hưởng đến chính quyền đã bùng nổ sau cuộc biểu tình ở Kiev mùa thu 2013, tạm lắng một thời gian và lúc này đang tái diễn.
Nằm trong “tâm bão”
Báo Đức Die Welt nhận định một trong những biểu hiện của cuộc chiến là các cuộc công kích nhắm vào người giàu có nhất Ukraine: doanh nhân Rinat Akhmetov.
Trước đây, ông Akhmetov là một trong những nhà tài trợ chính của cựu tổng thống Viktor Yanukovych, từng ủng hộ mong muốn liên bang hóa của phe ly khai ở giai đoạn đầu cuộc xung đột vũ trang tại Đông Nam Ukraine. Song, đến tháng 5-2014, ông đã thay đổi ý kiến và ủng hộ sự thống nhất lãnh thổ Ukraine. Tuy vậy, đến nay, ông vẫn chưa đứng hẳn về phía nào và tự biến mình thành mục tiêu của sự chỉ trích.
Tổng thống đương nhiệm Poroshenko cũng là một thành phần trong hệ thống tài phiệt ở Ukraine. Với tài sản ước tính 1,3 tỉ USD - theo tạp chí Forbes - ông đóng vai trò đáng kể trong cuộc chiến giữa các nhà tài phiệt . Khi Akhmetov trở nên yếu thế, đây lại là lợi thế đối với ông Poroshenko. Điều đáng nói là mùa Xuân 2014, ông từng ủng hộ Dmytro Firtash, nhà tài phiệt hợp tác với Moscow trong lĩnh vực khí đốt và bị cáo buộc có mối liên hệ với mafia Nga.
Trong khi đó, tỉ phú Igor Kolomoisky, Thống đốc vùng Dnepropetrovsk, ủng hộ dự luật quốc hữu hóa tài sản của các doanh nhân theo phe ly khai. Tầm ảnh hưởng của nhân vật này đang gia tăng. Trên thực tế, sự ảnh hưởng lớn về tài chính của Kolomoisky trong chính giới cho phép ông áp đặt các nguyên tắc của mình lên chính quyền mới ở Ukraine. Kolomoisky đối đầu Akhmetov và tầng lớp thượng lưu ở Donetsk vì cho rằng mình là nhà tài trợ cho các tiểu đoàn tự nguyện nên có quyền tiếp quản tài sản của giới tài phiệt “cũ” khi cáo buộc họ liên hệ với phe ly khai. Mặt khác, Kolomoisky muốn giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của Firtash đối với chính sách nhân sự cũng như các diễn biến ở Kiev.
Theo nhà kinh tế Andrei Blinov, Giám đốc Dự án của Liên minh Phát triển Tài chính, các thế lực khác trong cuộc chiến này không chỉ là những nhân vật được mọi người nhìn thấy trên chính trường hay truyền hình. Đó còn là các doanh nhân cỡ lớn chống lại “gia đình” cựu tổng thống Yanukovych. Bản tin phân tích của 2 kênh truyền hình “Inter” và “1+1”, thuộc các phe nhóm kinh tế - chính trị khác nhau, cho thấy mối quan hệ giữa những doanh nhân này đang nằm trong “tâm bão”.
Công kích nhau
Ông Hans-Georg Heinrich, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu ICEUY - Vienna (Áo), cho rằng nhà tài phiệt Kolomoisky đã đặt mục tiêu trở thành chính khách có ảnh hưởng hàng đầu ở Ukraine. Ông Kolomoisky nắm giữ vai trò tích cực trong cuộc xung đột ở Đông - Nam Ukraine, tài trợ cho các nhóm vũ trang chiến đấu với phe ly khai. Cách đây vài năm, Kolomoisky đã buộc phải rời Ukraine đến Thụy Sĩ do tranh cãi với tổng thống Yanukovych và bây giờ, ông cố trả thù.
Kênh “Inter”, thuộc quyền Dmytro Firtash - chủ sở hữu các tài sản trong ngành công nghiệp năng lượng, hóa học và titan - cáo buộc Kolomoisky - chủ tập đoàn Privat, chuyên hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, hóa dầu và luyện kim - đã đánh cắp dầu của đất nước và đem bán cho quân đội với giá cao dù luôn lớn tiếng nói yêu nước. Kênh “1+1” của doanh nhân Kоlomoisky cũng chỉ trích hoạt động làm ăn của Firtash là tội phạm, khẳng định ông này ủng hộ phe ly khai ở miền Đông Ukraine.
Đài phát thanh Svoboda đưa tin: Đầu năm 2014, Firtash đã bị bắt ở Úc theo yêu cầu của Cục Điều tra Liên bang Mỹ về vụ đưa hối lộ cho các giới chức Ấn Độ. Sau đó, doanh nhân này đã được tại ngoại nhờ đóng tiền bảo lãnh.
Báo chí Ukraine viết nhiều về mối liên hệ vững chắc của Firtash với Điện Kremlin, rằng “Inter” của ông đã khởi động cuộc chiến thông tin làm mất uy tín của Kolomoisky, người chống Nga quyết liệt. Giáo sư chính trị học Alexei Garan, Học viện Kiev - Mogilian, cũng xác nhận khả năng này.
“Chúng tôi hiểu rằng Công ty RosUcrEnergo của ông Firtash - trung gian giữa Ukraine và Nga trên thị trường khí đốt - đã nhận được những khoản lợi nhuận không nhỏ từ các phi vụ tham nhũng. Vì thế, tôi không loại trừ trường hợp Firtash và Nga có mối liên hệ với nhau” - GS Garan nhận định.
Sau khi chính quyền Yanukovych sụp đổ, ông Kolomoisky đảm nhận chức vụ thống đốc vùng Dnepropetrovsk. Sau đó, ông hỗ trợ việc thành lập một số tiểu đoàn quân tự nguyện để giải phóng Donbass từ tay phe ly khai. Chính ông đã đề xuất xây dựng bức tường thép cao 2 m trên biên giới với Nga. Kolomoisky cũng đã đề nghị tịch thu tài sản của những ai dính líu đến hành vi cung cấp tài chính cho phe ly khai ở Đông Ukraine. Kolomoisky còn theo đuổi cả những quyền lợi riêng tư nữa vì ông cố nắm quyền kiểm soát vùng Donetsk. Ý tưởng sáp nhập 4 khu vực thuộc Donetsk vào vùng Dnepropetrovsk của ông được dư luận đánh giá là ngón đòn nặng nề giáng vào Akhmetov - vốn được mệnh danh là “chủ nhân Donbass”.
Kỳ tới: Cuộc chơi của người khổng lồ
Nguy cơ đối đầu gia tăng
Tổng thống Poroshenko - cũng như một số nhà tài phiệt khác, trước hết là những đại gia ở Kiev có tham gia chính quyền - đều muốn kìm giữ Kolomoisky ở vai trò nhà lãnh đạo vùng mà thôi. Nhờ đó, họ có thể hạn chế khả năng Kolomoisky tiếp cận các công ty tầm cỡ quốc gia.
Sự đối đầu của ông Kolomoisky với chính quyền hiện nay, với các đại diện của Akhmetov sẽ không chỉ gia tăng mà còn có thể chuyển sang giai đoạn mới: Hành động chiến sự hoặc chiếm hữu các xí nghiệp.
Bình luận (0)