Ở độ sâu 40 m dưới biển Baltic, đường hầm Fehmarnbelt nối Đan Mạch và Đức với chiều dài 18 km. Đây là một trong những dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất châu Âu với ngân sách xây dựng hơn 7 tỉ euro (tương đương 8,2 tỉ USD).
Đường hầm với sự kết hợp giữa đường bộ và đường sắt này dài hơn bất kỳ dự án tương tự nào trên thế giới, bao gồm 2 phần đường ô tô 2 làn, được ngăn cách bởi một lối đi cho người đi bộ và 2 đường ray.
Mô phỏng đường hầm Fehmarnbelt nối Đan Mạch và Đức dài 18 km. Ảnh: World Highways
Ông Jens Ole Kaslund, giám đốc kỹ thuật của công ty phụ trách dự án Femern A/S, cho biết: "Để đi từ thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) đến TP Hamburg (Đức) phải mất tới 4 tiếng rưỡi. Sau khi dự án hoàn thành, hành trình này sẽ chỉ mất 2 tiếng rưỡi".
Đường hầm sẽ bắc qua Vành đai Fehmarn, một eo biển nằm giữa đảo Fehmarn của Đức và đảo Lolland của Đan Mạch. Đường hầm đi vào hoạt động sẽ thay thế cho dịch vụ phà hiện tại xuất phát từ Rodby và Puttgarden, mỗi năm phục vụ hàng triệu hành khách.
Hiện phải mất 45 phút nếu di chuyển bằng phà nhưng sẽ chỉ mất 7 phút đi bằng tàu và 10 phút đi bằng ô tô nếu công trình hoàn thành.
Hình ảnh chụp từ trên cao nơi khởi công dự án đường hầm Fehmarnbelt. Ảnh: Jan Kofod Winther
Ông Kaslund cho biết bên cạnh những lợi ích đối với tàu và ô tô, đường hầm sẽ có tác động tích cực đến cả xe tải và tàu chở hàng bởi dự án sẽ tạo ra lộ trình trên đất liền từ Thụy Điển đến Trung Âu ngắn hơn 160 km so với hiện nay.
Dự án ra đời từ năm 2008 khi Đức và Đan Mạch ký hiệp ước xây đường hầm. Tuy nhiên, hai nước phải mất hơn 10 năm để thông qua các điều luật cần thiết cũng như nghiên cứu về tác động đối với môi trường và địa kỹ thuật.
Trong khi quá trình đã hoàn tất ở phía Đan Mạch thì ở Đức, nhiều tổ chức, bao gồm các công ty phà, tổ chức môi trường và dân cư địa phương phản đối dự án do lo ngại về tính cạnh tranh không công bằng, sự tác động tới môi trường và tiếng ồn.
Mô phỏng đường hầm dưới đáy biển. Ảnh: Femern A/S
Đến ngày 3-11 năm ngoái, một tòa án của Đức đã phê duyệt dự án xây dựng đường hầm vượt biển kết hợp đường sắt và đường bộ dài nhất thế giới này. Theo Giám đốc điều hành dự án Claus Baunkjaer, sự chấp thuận mang tính pháp lý của Đức được xem là "một cột mốc lịch sử".
Dự án sẽ do Đan Mạch phụ trách xây dựng và chi trả cùng với nguồn tài trợ của Liên minh châu Âu (EU).
Một số hình ảnh dự án do công ty Femern A/S công bố:
Hình minh họa khu vực lối vào tại Puttgarden, trên đảo Fehmarn (Đức) sau khi hoàn thành. Ảnh: Femern A/S
Công trình đê chắn sóng cho bến cảng ở Rodby được thực hiện giữa tháng 7-2020. Ảnh: Kristian Danielsen
Công trình này được thiết kế với một khoang đậu cho các phương tiện bảo dưỡng, từ đó các nhân viên bảo trì có thể xuống tầng hầm một cách an toàn. Ảnh: Femern A/S
Họat động lắp ráp các phần bê tông tạo nên đường hầm ở trên đảo Lolland. Ảnh: Femern A/S
Một bến cảng mới sẽ được xây dựng ở Rodby trên đảo Lolland. Ảnh: Femern A/S
Ở độ sâu 40 m dưới biển Baltic, đường hầm Fehmarnbelt nối Đan Mạch và Đức là đường hầm dài nhất dưới đáy biển. Ảnh: Femern A/S
Hình ảnh đoạn đường nối với đường hầm ở phía Đan Mạch. Ảnh: Femern A/S
Bình luận (0)