Vụ việc xảy ra vào khoảng 21 giờ ngày 7-6 tại ký túc xá của Công ty Dệt Recron đóng tại Taman Semarak thuộc bang Kedah -Malaysia.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Lao động Việt Nam tại Malaysia, vào thời điểm trên, trong lúc lao động Việt Nam đang nghỉ ở ký túc xá thì bất ngờ bị rất đông lao động Bangladesh xông vào dùng gậy gộc, thanh sắt… tấn công.
Lao động Việt Nam tại Malaysia được nhà máy tổ chức xe đưa đón an toàn Ảnh: Tư liệu
Tám giờ quần đả
Cộng tác viên của Báo Người Lao Động tại Malaysia cho biết: Lao động Bangladesh đã chủ động vào khu vực người Việt để gây hấn. Do bị tấn công bất ngờ, không có sự chuẩn bị trước nên lao động Việt Nam chống đỡ và tự vệ trong khả năng có thể.
Vụ việc diễn ra rất nghiêm trọng nhưng mãi đến 1 giờ ngày 8-6, 200 nhân viên của lực lượng cơ động Liên bang Malaysia mới được điều đến hiện trường. Cảnh sát đã phải áp giải hàng trăm lao động Bangladesh về khu vực ký túc xá của họ. Lao động Việt Nam cũng bị buộc không được ra khỏi nơi ở của mình.
Tuy vậy, nhóm người quá khích Bangladesh vẫn tiếp tục khiêu khích và sẵn sàng tấn công lao động Việt Nam trên đường trở về ký túc xá. Cuộc hỗn chiến kéo dài 8 giờ, đến 5 giờ ngày 8-6 mới được vãn hồi.
Theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan thẩm quyền Malaysia, nguyên nhân hỗn chiến xuất phát từ đêm 6-6, một lao động nam Bangladesh chọc ghẹo một nữ lao động Việt Nam trong lúc đang tăng ca tại xưởng dệt.
Lao động nữ này đã gọi điện về ký túc xá và một lát sau, một số đồng hương người Việt đến gây gổ và hành hung lao động Bangladesh nói trên.
Người này ngay sau đó đã gọi bạn bè của mình đến đánh nhau với lao động Việt Nam và sau đó trở thành cuộc hỗn chiến với hàng trăm người tham gia vào tối hôm sau, 7-6.
Ký túc xá của Công ty Dệt Recron có tất cả 3.704 lao động nước ngoài, trong đó gồm 1.037 nam và 703 nữ người Việt, 1.409 người Bangladesh. Tại thời điểm xảy ra vụ việc, thông tin ban đầu xác nhận ít nhất có 400 người trực tiếp tham gia đánh nhau.
Tiếp tục khiêu chiến
Ông Nguyễn Tiến San, Tham tán, Trưởng Ban Quản lý lao động – Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, cho biết có 30 người bị thương trong cuộc hỗn chiến nói trên được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Tuanku Jaafar ở Kedah. Trong số này có 10 lao động Việt Nam.
Ngày hôm qua, hầu hết đã được xuất viện, chỉ còn 1 lao động Việt Nam và 2 lao động Bangladesh. Theo nguồn tin riêng, có ít nhất 1 lao động Bangladesh đã tử vong.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, dù tình hình đang được kiểm soát nhưng điều đáng lo ngại nhất là trong 2 ngày qua, một số lao động quá khích của Bangladesh vẫn cố tình gây hấn với lao động Việt Nam.
“Chúng tôi đã chỉ đạo Ban Quản lý Lao động Việt Nam tại Malaysia và các doanh nghiệp có đưa lao động sang Malaysia đang làm việc tại công ty trên tiếp tục theo dõi tình hình, động viên, bảo ban người lao động tạm thời không nên rời ký túc xá trong giờ nghỉ, đi về có trật tự, cố gắng không để xảy ra mâu thuẫn với lao động nước bạn” - ông Quỳnh nói.
Tăng cường bảo vệ người lao động
Liên quan đến vụ việc nói trên, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam và Bangladesh tại Malaysia cùng với cơ quan thẩm quyền Malaysia và chủ sử dụng lao động đã có buổi làm việc để giải quyết vụ việc nói trên. Đại diện cơ quan ngoại giao hai nước cũng đã yêu cầu cơ quan thẩm quyền Malaysia trong quá trình điều tra vụ việc, tăng cường các biện pháp can thiệp, bảo vệ an toàn tính mạng cho người lao động. |
Bình luận (0)