Cơ quan Y tế Brazil Anvisa hôm 21-10 thông báo một tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Covid-19 do Công ty Dược AstraZeneca và ĐH Oxford (Anh) phát triển đã thiệt mạng. Anvisa cho biết họ đã báo cáo vụ việc, song Ủy ban An ninh và Đánh giá quốc tế (IESC) khẳng định không có lý do để ngừng thử nghiệm - một dấu hiệu cho thấy cái chết không liên quan đến vắc-xin.
Hiện vẫn chưa rõ liệu tình nguyện viên trên được tiêm vắc-xin hay giả dược trong lúc thử nghiệm. Một nguồn tin giấu tên khẳng định với trang tin Bloomberg rằng người này không được tiêm vắc-xin của AstraZeneca. Trong khi đó, Anvisa khẳng định họ sẽ không cung cấp thêm thông tin về vụ việc vì những lý do liên quan đến bảo mật y khoa.
Trong một tuyên bố cùng ngày, Trường ĐH Oxford khẳng định: "Quá trình đánh giá kỹ càng về trường hợp ở Brazil đã được tiến hành và không phát hiện bất cứ lo ngại nào liên quan đến vấn đề an toàn của hoạt động thử nghiệm. Các đánh giá độc lập cho rằng Brazil nên tiếp tục thử nghiệm".
Nhân viên làm việc tại một công ty sản xuất vắc-xin Covid-19 thử nghiệm do Trường ĐH Oxford và Công ty Dược AstraZeneca phát triển Ảnh: AP
Đến thời điểm hiện tại, Viện D’Or - cơ quan quản lý thử nghiệm lâm sàng ở TP Rio de Janeiro - Brazil, cho biết 8.000 tình nguyện viên đã được tiêm vắc-xin hoặc giả dược trong thử nghiệm. Cơ quan này nhấn mạnh quá trình phân tích dữ liệu thu được đến thời điểm hiện tại không cho thấy bất cứ nghi ngại nào liên quan đến tính an toàn của thử nghiệm vì thế, họ khuyến nghị tiếp tục thử nghiệm.
Giới chuyên gia vắc-xin cho biết tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng có thể đổ bệnh hoặc thiệt mạng vì nhiều lý do và chúng có thể không liên quan đến vắc-xin.
"Nếu không có thông tin chi tiết, chúng ta không thể biết chính xác điều gì đã xảy ra trong trường hợp này. Tuy nhiên, với việc thử nghiệm được cho phép tiếp diễn, chúng ta có thể tin rằng trường hợp tử vong này rõ ràng không liên quan đến vắc-xin" - ông Ian Jones, một chuyên gia về virus học của Trường ĐH Reading (Anh), khẳng định.
Trong khi đó, theo thống kê của Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ), Tây Ban Nha tối 21-10 (giờ địa phương) trở thành quốc gia đầu tiên ở Tây Âu ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm Covid-19 và Pháp cũng đã vượt qua cột mốc u ám này. Với 1.005.295 và 1.000.369 ca nhiễm, Tây Ban Nha và Pháp lần lượt trở thành quốc gia có số người mắc Covid-19 cao thứ 6 và thứ 7 thế giới. Tại Đức, số ca nhiễm Covid-19 sau 24 giờ lần đầu tiên vượt mốc 10.000 ca, sau khi Viện Robert Koch thông báo thêm 11.287 ca vào ngày 22-10, tăng thêm gần 3.700 ca so với ngày trước đó.
Theo đài CNN, châu Âu đang chìm trong vòng xoáy của làn sóng lây nhiễm thứ hai, với một xu hướng đáng lo ngại: Ngày càng nhiều người lớn tuổi nhiễm Covid-19. Theo báo cáo mới nhất Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC), ít nhất 13 quốc gia tại châu lục này chứng kiến tỉ lệ nhiễm ở nhóm trên 65 tuổi tăng lên mức "cao" vào tuần rồi.
Cũng theo ECDC, tỉ lệ nhiễm Covid-19 ở nhóm trên 65 tuổi tại một số quốc gia Đông Âu hiện ở mức cao gấp 2 lần so với làn sóng lây nhiễm thứ nhất. Xu hướng này đáng lo ngại bởi những bệnh nhân Covid-19 lớn tuổi đối mặt với rủi ro tử vong cao hơn. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến thời điểm cuối tháng 8, gần 88% tổng số ca tử vong vì Covid-19 ở châu Âu đến từ nhóm trên 65 tuổi.
Hàn Quốc: 17 người chết sau khi tiêm vắc-xin
Giới chức y tế Hàn Quốc hôm 22-10 tuyên bố chương trình tiêm vắc-xin cúm mùa vẫn sẽ tiếp diễn, bất chấp những lo ngại về các ca tử vong nghi có liên quan đến vắc-xin. Giới chức y tế Hàn Quốc khẳng định họ không phát hiện bất cứ mối liên hệ trực tiếp nào giữa các ca tử vong và vắc-xin cúm mùa. Tính đến chiều 22-10 (giờ địa phương), theo Yonhap, ít nhất 17 người đã thiệt mạng sau khi được tiêm vắc-xin trong những ngày gần đây. Theo kế hoạch, khoảng 19 triệu người, bao gồm thiếu niên và người cao tuổi, sẽ được tiêm vắc-xin cúm mùa để ngăn "dịch bệnh kép".
Bình luận (0)