xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Cướp nhà băng” hiện đại ở TQ

Trùng Quang (Theo NYT, IHT)

Trung Quốc bị rúng động với một loạt các vụ cướp ngân hàng quy mô lớn trong những năm gần đây. Điều đáng nói là những tên cướp này không phải là những tên “thảo khấu” bị đặt ra ngoài vòng pháp luật...

“Cướp nội bộ”

Đó là những “vụ cướp từ trong nội bộ”: các nhà quản lý hàng đầu, các trưởng chi nhánh, các viên chức cho vay và hàng ngàn nhân viên làm việc hằng ngày “ẵm” hàng tỉ USD của khách hàng bỏ chạy.

Hãy nhìn lại những gì đã xảy ra chỉ trong 2 tháng đầu năm nay. Đầu tiên, một giám đốc chi nhánh của Ngân hàng Trung Quốc (TQ) biến mất với hơn 100 triệu USD tiền mặt. Chỉ vài tuần sau đó, hàng chục nhân viên của một ngân hàng thương mại khác bị bắt vì âm mưu đánh cắp gần 1 tỉ USD. Và rồi các nhân viên cấp trung của Ngân hàng Xây dựng TQ bỏ chạy, xách theo khoảng 8 triệu USD.

Chưa có ai nói về việc liệu có phần nào trong các khoản tiền nói trên được thu hồi. Nhưng một loạt sự kiện trên cho thấy một sản phẩm phụ gớm ghiếc của quá trình tiến đến một nền kinh tế tăng trưởng chóng, kiếm tiền nhanh: một làn sóng các vụ bê bối liên quan đến doanh nghiệp và chính quyền. Mới đây nhất, vào trung tuần tháng 3, báo chí đưa tin Zhang Enzhao, Giám đốc Ngân hàng Xây dựng TQ, từ chức sau khi có một vụ kiện buộc tội ông đã nhận 1 triệu USD từ một công ty Mỹ, Alltell Information Services. Ngân hàng này sau đó cho biết ông từ chức vì “lý do cá nhân”.

. 16% và 2%: Có thể so sánh những hành vi lừa đảo ở TQ với các vụ gây rùm beng ở Mỹ như Enron hay WorldCom? Các công ty Mỹ lớn hơn, nhưng các nhà phân tích cho rằng việc lừa đảo doanh nghiệp ở TQ tràn lan hơn so với phương Tây. Theo nghiên cứu do Đại học Bắc Kinh thực hiện, khoảng 16% công ty niêm yết trên các thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến trong 10 năm qua bị phạt hay buộc ngưng kinh doanh so với chỉ 2% ở Mỹ.

Kể từ đầu những năm 1990, những ông vua ăn cướp hiện đại TQ tập trung vào đủ loại công ty quốc doanh TQ. Các công ty môi giới, các công ty quản lý đầu tư và hàng chục công ty quốc doanh bị cướp đi hàng tỉ USD, theo các nhà điều tra. Báo chí chính thức đăng đầy rẫy những bản kê khai của các nhà quản lý, công chức bị buộc tội biển thủ tiền bạc và thỉnh thoảng “nướng” những khoản tiền đó ở các sòng bạc biên giới. Với việc TQ đầy ngập các khoản tiền dự trữ để “bón” cho nền kinh tế đang bùng nổ của họ, nhiều nhà quản lý doanh nghiệp đã trở nên tham lam và ngay cả các nhân viên cấp thấp cũng tranh nhau “làm ăn” và biết cách tuồn hàng triệu USD vào các tài khoản ở nước ngoài. “Tham nhũng là rộng khắp ở TQ” - Larry Lang, giáo sư về tài chính tại Đại học TQ ở Hồng Kông, phát biểu - “Trong thực tế nhiều công ty quốc doanh đã bị “lột” sạch sẽ”.

Ảnh hưởng đến nỗ lực trở thành siêu cường kinh tế

Ít chuyên gia cho rằng các vụ bê bối sẽ làm chậm đi tăng trưởng kinh tế của TQ. Nhưng các chuyên gia kinh tế và các quan chức chính quyền lo ngại rằng những ví dụ hiển nhiên về lừa đảo, tham nhũng và biển thủ có thể tác động xấu đến các hệ thống tài chính - ngân hàng ở nước này, vốn cần được hiện đại hóa để TQ trở thành một siêu cường kinh tế toàn diện.

Trong 4 năm qua, ít nhất 25 quan chức chính quyền đã bị xử tử vì đã nhận hối lộ và “lại quả”. Hàng trăm người khác đang phải thụ những bản án kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, hằng tháng, số vụ lừa đảo dường như tăng thêm. Cách đây 2 tuần, chính quyền TQ cho biết 58.000 người bị trừng phạt vì chiếm dụng tiền bạc hay cho vay bất hợp pháp tại 2 trong 4 ngân hàng lớn của TQ. Riêng trong năm 2003, các quan chức TQ cho biết khoảng 8 tỉ USD đã bị chôm khỏi các công ty quốc doanh.

Bằng cách này hay cách khác, những vụ bê bối tham nhũng cho thấy bề tối của sự vươn lên mạnh mẽ của TQ. Dù nền kinh tế tăng trưởng mạnh, thu nhập đang tăng (thu nhập quốc dân tăng đến 1.100 USD trong năm 2003, thời điểm thống kê mới nhất hiện có) và đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào các tỉnh, thành duyên hải, nền tài chính TQ là một mớ hổ lốn. Chỉ số chứng khoán chuẩn của Thượng Hải giảm 40% trong 4 năm qua. Gần phân nửa trong tổng số 130 công ty môi giới chứng khoán phá sản, trong khi các ngân hàng lớn nhất TQ oằn vai vì những khoản nợ khổng lồ. “Hệ thống tài chính hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế TQ là mỏng manh” – Sun Lijian, một giáo sư tại Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, nhận định. “Người ta bị ấn tượng trước vẻ bên ngoài của các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải và trước sự tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm nội địa) hằng năm. Nhưng không có một hệ thống tài chính mạnh, tăng trưởng kinh tế TQ là không lành mạnh”.

Đâu là nguyên nhân?

Các chuyên gia cho rằng việc quản lý và giám sát yếu kém, nạn tham nhũng thâm căn cố đế trong chính quyền và các kiểu quản lý rủi ro không hiệu quả đã góp phần vào việc cho phép các “nghệ sĩ lừa đảo” và những kẻ cướp bóc chạy trốn khá lâu trước khi các nhà điều tra phát hiện điều gì đó sai trái. “Sự kém hoàn chỉnh của các hệ thống luật pháp cung cấp một môi trường trong đó một số người sẵn sàng chộp các cơ hội làm những chuyện bất hợp pháp” – Zhou Chunsheng, một giáo sư thuộc Đại học Bắc Kinh, nói. Theo hãng tư vấn McKinsey & Co., ngành nhiều bê bối nhất cũng là ngành giữ tiền bạc của mọi người: các ngân hàng quốc doanh, nơi có 204 tỉ USD nợ khó đòi vào năm ngoái. Một phần của các kết quả bi quan nói trên là sự tham lam của bộ phận chóp bu. Trong những năm gần đây, hai quan chức cao cấp làm việc ở Ngân hàng TQ phải gỡ lịch nhiều năm vì phạm các tội về kinh tế. Và năm 2002, Ngân hàng TQ phát hiện 500 triệu USD mất tích khỏi các tài khoản sau khi 3 nhà quản lý của ngân hàng này rời khỏi đất nước.

Để chuẩn bị cạnh tranh với nước ngoài, một số ngân hàng lớn nhất TQ đang cải cách hoạt động và tăng cường kiểm soát. Chính phủ đã sử dụng kho ngoại tệ dự trữ “vĩ đại” của mình trong năm qua để giải quyết các khoản nợ khó đòi trị giá 22,5 tỉ USD tại Ngân hàng TQ và Ngân hàng Xây dựng TQ. Một số khoản nợ xấu nhất được các công ty quản lý tài sản nhà nước. Nhưng chính các công ty này cũng đang gặp rắc rối. Vào tháng giêng năm nay, Chính phủ TQ cho biết 4 công ty quản lý tài sản quốc doanh dính vào các hoạt động bất hợp pháp liên quan tới một khoản tiền là 800 triệu USD.

Các công ty môi giới còn tệ hơn khi có tới 20 tỉ USD nợ trong sổ sách. Theo các chuyên gia, nhiều công ty được quản lý tồi và thiếu vốn khi họ bắt đầu giao dịch bằng cổ phần với các nhà đầu tư vào những năm 1990. Tuy nhiên, có lúc những vấn đề bị khỏa lấp bằng giá chứng khoán tăng. Khi giá cả giảm vào năm 2001, nhiều công ty môi giới sụp đổ và bị cáo buộc dùng vốn đầu tư đánh bạc, đầu tư vào các dự án địa ốc mà họ thích và ngốn rất nhiều tiền, và tuồn những số lượng lớn tiền vào các tài khoản riêng hay ở hải ngoại. Khi các vụ kiện cáo gia tăng, hàng chục công ty đã bị nhà nước tịch thu trong 2 năm qua. Một phần của vấn đề, theo các chuyên gia, là do tình trạng tồi tệ của các thị trường chứng khoán mà nhiều người ví như những sòng bạc. Các thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến, nơi có 1.300 công ty niêm yết, chỉ mới tồn tại khoảng 10 năm. Các nhà kinh doanh và chuyên gia phàn nàn về các quy định thiếu hiệu quả, các hạn chế trong kinh doanh, sự thiếu tính minh bạch với các công ty niêm yết và việc chẳng có sự ăn nhập gì giữa lợi nhuận doanh nghiệp và giá chứng khoán. “Ở đây, lợi nhuận là không liên quan” - Song Fengming, giáo sư thuộc Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, phát biểu - “Ngay cả nếu diễn biến thị trường trở nên tồi tệ nhất, giá chứng khoán vẫn tăng và ngược lại. Các nhà đầu tư nghĩ về thị trường chứng khoán TQ như một chiếc máy thanh toán tự động (ATM)”. Và việc thị trường chứng khoán liên tục giảm trong khi kinh tế TQ tăng trưởng mạnh những năm qua, theo nhiều chuyên gia, cũng đã khiến nhiều nhà đầu tư phải thận trọng khi đến TQ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo