Điều quan trọng là liệu người dân toàn cầu có thể đồng lòng hành động hay không.
Thông điệp từ báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) nói trên là rõ ràng: Chỉ 0,5 độ C cũng mang lại sự khác biệt lớn. Trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015, hầu hết các nước nhất trí giới hạn mức tăng tối đa nhiệt độ toàn cầu là 2 độ C nhưng tốt hơn hết là 1,5 độ C.
Kịch bản tăng vượt quá 1,5 độ C sẽ dẫn đến sự khác biệt lớn về tần suất cũng như mức độ nghiêm trọng của thời tiết cực đoan, như tình trạng nắng nóng thiêu đốt Bắc bán cầu trong mùa hè vừa rồi.
Người dân lấy nước dự trữ trong mùa hạn hán ở huyện Kilifi - Kenya đầu năm nay. Ảnh: NATION MEDIA GROUP
Báo cáo của IPCC đã chỉ rõ các bước phải thực hiện để duy trì mức tăng dưới 1,5 độ C. Cụ thể, người dân toàn cầu cần cắt giảm gần 50% lượng khí thải CO2 trong thập kỷ tới và con số này giảm xuống bằng 0 vào giữa thế kỷ này.
Thế giới phải nhanh chóng chuyển sang dùng năng lượng tái tạo và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, sử dụng phương tiện giao thông chạy bằng điện có thể tái tạo, xây dựng các tòa nhà và thành phố sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Lối sống của chúng ta cũng phải thay đổi, như bớt lãng phí.
Làm được những điều nói trên hoàn toàn không dễ dàng. Chính sách không theo kịp khoa học. Có những chính phủ tỏ ra thiếu ý chí chính trị để hành động chống biến đổi khí hậu. Cộng thêm xu hướng đáng lo trên toàn cầu khi những người theo chủ nghĩa dân túy trúng cử và những người không tin vào biến đổi khí hậu có mặt trong nội các một số nước mạnh nhất hiện nay. Dĩ nhiên là chúng ta sẽ phải đánh đổi để cứu môi trường, như bớt đi nghỉ bằng máy bay, sử dụng xe nhỏ hơn và ít ăn thịt thường xuyên hơn.
Nếu thật sự quan tâm đến tương lai, chúng ta cần sẵn sàng hy sinh một số thứ và hành động mạnh mẽ để buộc các chính khách có trách nhiệm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu từ lúc này.
Bình luận (0)