Phát biểu được đưa ra sau khi cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott tiết lộ trong một bộ phim tài liệu được Sky News tung ra hôm 19-2: "Theo những gì tôi biết từ lãnh đạo cấp cao trong chính phủ Malaysia, họ đã nghi ngờ từ rất sớm rằng đây là một vụ tự sát giết người hàng loạt của viên phi công".
Sau đó, ông Najib cho trang Free Malaysia Today biết trong quá trình điều tra, Malaysia đã xem xét cả kịch bản máy bay mất tích vì cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah có ý định tự sát nhưng chưa bao giờ công bố giả thuyết này. Free Malaysia Today dẫn lời ông Najib Razak cho biết vì vẫn chưa thể tìm được các hộp đen của máy bay và ghi âm trong buồng lái nên sẽ là "bất công và vô trách nhiệm" về mặt pháp lý nếu công bố quan điểm này.
Sáng 6-8-2015, thủ tướng Malaysia khi đó là ông Najib Razak tuyên bố mảnh vỡ máy bay được tìm thấy trên đảo La Reunion là của chuyến bay mất tích MH370. Ảnh: REUTERS
"Và tôi phải nhấn mạnh rằng kịch bản có thể xảy ra trên chưa bao giờ bị loại bỏ trong nỗ lực tìm kiếm và điều tra về vụ việc của Malaysia" - ông Najib nói.
Người phát ngôn của ông Najib xác nhận ông đã đưa ra phát biểu trên, trong khi Bộ Giao thông Malaysia chưa đưa ra bình luận chính thức nào. Trước đây, gia đình của phi công Zaharie Ahmad Shah bác bỏ giả thuyết ông này cố ý lao xuống biển tự sát.
Chính quyền Malaysia từng khẳng định không phát hiện điểm nghi vấn trong hồ sơ thông tin cá nhân, quá trình huấn luyện và tình trạng sức khỏe tâm thần của cơ trưởng nhưng không loại bỏ khả năng máy bay bị điều khiển sai lịch trình đã định có chủ đích.
Mảnh vỡ của MH370 trên đảo Reunion hồi tháng 8-2015 (ảnh trên) và cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah cùng hệ thống mô phỏng máy bay tại nhà. Ảnh: REUTERS, FACEBOOK
Ông Najib cho biết có một số lý do khiến nhà chức trách nghi ngờ cơ trưởng Zaharie có liên quan tới thảm kịch này, trong đó có việc ông sở hữu một mô hình bay riêng tại nhà và các kết quả điều tra cũng cho thấy bộ phận thu phát tín hiệu của MH370 đã bị tắt chỉ ít phút sau khi máy bay rời không phận Malaysia.
Chuyến bay MH370 chở 239 người, mất tích khi bay từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh ngày 8-3-2014. Sau gần 6 năm, vụ việc vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử hàng không.
Malaysia, Trung Quốc và Úc phối hợp triển khai chiến dịch tìm kiếm tại vùng biển phía Nam Ấn Độ Dương trong vòng 2 năm, trước khi buộc phải tạm dừng chiến dịch hồi tháng 1-2017 sau khi không tìm được dấu vết của chiếc máy bay này.
Một chiến dịch khác kéo dài 3 tháng, do công ty Ocean Infinity của Mỹ thực hiện cũng chấm dứt với kết quả tương tự vào tháng 5-2018.
Bình luận (0)