Sáng 5-7, bầu trời La Ferté-Imbault, tỉnh Loir-et-Cher - Pháp đầy mây đen, báo hiệu một cơn bão sắp đến. Đối với nhiều thành viên Đảng UMP (Liên minh vì Phong trào nhân dân), cảnh tượng này giống như tình cảnh hiện tại của đảng. Sự kiện cựu tổng thống Nicolas Sarkozy bị bắt tạm giam và đang bị điều tra trong nhiều vụ án cùng hàng loạt chức sắc cao cấp từ nhiệm, kể cả chủ tịch đảng Jean-Francois Copé, vì vụ án Bygmalion khiến UMP lâm vào cảnh “rắn không đầu”.
“Tàu không thể chìm”
Chính trong bối cảnh đó, Phong trào Cánh hữu Mạnh (DF) - 1 trong 5 phong trào chính của UMP - trung thành với ông Nicolas Sarkozy đã tổ chức một cuộc mít-tinh lớn tại La Ferté-Imbault trong khuôn khổ lễ hội Hoa Tím lần thứ hai. Cuộc mít-tinh kêu gọi vị cựu tổng thống thất trận năm 2012 trở lại chính trường, lèo lái con thuyền UMP vượt qua cơn khủng hoảng, sẵn sàng tranh ghế tổng thống Pháp năm 2017 với Đảng Xã hội.
Tổng Thư ký Luc Chatel (trái) và Phó Chủ tịch Đảng UMP Guilliaume Peltier (giữa)
tại cuộc mít-tinh hôm 5-7. Ảnh: L’Express
Khoảng 1.600 người đã tham dự, trong đó có Brice Hortefeux, cha đỡ đầu của DF và nhiều chính khách nổi tiếng đến từ Paris như Rachida Dati, Pierre Charron, Charles Beigbeder… Quyền Tổng Thư ký UMP, ông Luc Chatel, cũng có mặt và hô hào: “Khi một gia đình chính trị đứng trước khó khăn, chúng ta hãy đoàn kết, siết chặt tay nhau”.
Giải thích hiện tượng “con tàu không thể chìm” Nicolas Sarkozy, nhà phân tích chính trị Jerôme Fourquet thuộc IFOP (Viện Công luận Pháp) nhận định rằng dù dính vào những vụ lùm xùm về pháp lý gần đây có thể cản trở ít nhiều đến việc trở lại chính trường nhưng uy tín ông Sarkozy vẫn được bảo đảm bởi 2 yếu tố cơ bản.
Thứ nhất, trong mắt cử tri truyền thống thân cánh hữu, đương kim tổng thống Francois Hollande đang nhấn chìm nước Pháp trong vũng lầy. Người duy nhất có thể “cứu” nước Pháp là ông Sarkozy. Thứ hai, khi chưa thấy xuất hiện một thủ lĩnh mới nào có đủ tín nhiệm để lãnh đạo UMP, các thành viên của đảng chỉ có thể trông cậy vào át chủ bài duy nhất là ông Sarkozy trong hoàn cảnh hiện tại.
Theo nhà phân tích Fourquet, trong khi chờ đợi bản đánh giá tác động của vụ bị bắt giam 15 giờ đối với uy tín cá nhân ông Sarkozy, vị cựu tổng thống này vẫn là sự lựa chọn ưa thích trong nội bộ UMP. Đặc biệt, trong bối cảnh cánh tả đang tơi tả, Đảng Mặt trận quốc gia (FN) cực hữu đang lớn mạnh và cánh hữu mất phương hướng thì khả năng trở lại chính trường của ông Sarkozy là không nhỏ, theo ông Fourquet.
Cuộc thăm dò dư luận của tạp chí Le Figaro Magazine thực hiện cách đây nửa tháng, nghĩa là trước sự kiện Sarkozy bị tạm giam 15 giờ, cho thấy hơn 50% người có cảm tình với UMP tin rằng ông là ứng cử viên tổng thống “sáng giá nhất”. Trong khi đó, đối thủ chính Alain Juppé được 25% tín nhiệm, còn Francois Fillon chỉ 10%.
Tuy nhiên, ông Fourquet cảnh báo nếu uy tín 2 ông Juppé và Fillon tăng lên 35%-45% thì “sẽ có một sự thay đổi thái độ trong cử tri thân cánh hữu”. Lúc đó, ông Sarkozy khó lòng trở lại chính trường một cách đàng hoàng. Hơn nữa, đối với đa số người dân Pháp, ông Sarkozy đã hết thời.
Công luận tẩy chay
Nhiều cuộc thăm dò dư luận quần chúng trước và sau sự kiện bắt tạm giam ông Sarkozy đêm 1 rạng sáng 2-7 đều có chung một kết quả bất lợi, làm lu mờ triển vọng trở lại chính trường của vị cựu tổng thống Pháp.
Cuộc điều tra công luận của BVA theo đơn đặt hàng của đài i-Télé và báo Le Parisien công bố hôm 5-7 cho thấy: Trả lời câu hỏi “có muốn ông Sarkozy ứng cử tổng thống năm 2017 hay không?”, 65% người Pháp đáp “không”. Đối với cử tri truyền thống thân cánh tả, tỉ lệ này cao chót vót với 94%. Tuy vậy, 70% tin rằng “ông ấy sẽ cố đấm ăn xôi”, sẵn sàng quay trở lại.
Cơ sở để họ tin như thế đã được cuộc điều tra BVA xác nhận. Được hỏi “có tin ông Sarkozy sẽ ra ứng cử tổng thống năm 2017 hay không?”, 80% những người có truyền thống bỏ phiếu cho các đảng cánh hữu trả lời “có”. 84% số người ủng hộ Đảng UMP cũng trả lời “có”.
Tuy vậy, có đến 57% người dân nói chung tin rằng những vụ án mà ông Sarkozy đang bị điều tra sẽ ngăn cản UMP đề cử vị cựu tổng thống này làm đại diện cho đảng trong cuộc chạy đua vào Điện Élysée. Thậm chí, trong số những người thân cánh tả, có đến 78% cho rằng UMP sẽ tẩy chay ông Sarkozy. Trong khi đó, 63% những người thân cánh hữu nghĩ ngược lại.
Kết quả thăm dò dư luận của CSA công bố trên kênh truyền hình BFMTV cuối tuần qua cũng cho kết quả tương tự. Theo đó, 65% người dân Pháp không muốn ông Sarkozy tái ứng cử tổng thống.
Bản thân ông Sarkozy nói gì về khả năng trở lại chính trường? Vị cựu tổng thống tỏ ra hết sức dè dặt. Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình TF1 và Europe 1, ông cho biết sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9, “sau khi suy nghĩ kỹ”.
Khó khăn chồng chất
Báo chí nước ngoài đánh giá rất thấp khả năng trở lại chính trường của cựu tổng thống Nicolas Sarkozy sau sự kiện ông bị bắt giam và chính thức bị điều tra về tội tham nhũng, hối mại quyền thế.
El Pais, nhật báo hàng đầu của Tây Ban Nha, bình luận: “Trong một nền Cộng hòa mà những biểu tượng hầu như mang tính thiêng liêng, hình ảnh một cựu tổng thống bị cảnh sát thẩm vấn như một tên tội phạm bình thường là không thể tha thứ. Sarkozy cần phải tả xung hữu đột vất vả để thoát khỏi những cáo buộc. Ngay cả trong trường hợp Sarkozy có khả năng thoát ra, tình cảnh diễn ra đêm 1-7 cũng đã hủy hoại tham vọng chính trị của ông ấy”.
Tại Mỹ, nhật báo The New York Times cũng có cùng quan điểm: “Diễn biến mới nhất của vụ án (Bettencourt) có thể xua tan hy vọng trở lại chính trường của ông Nicolas Sarkozy”.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-7
Bình luận (0)