Theo quy định của luật liên bang, các đại cử tri sẽ họp vào ngày thứ Hai sau ngày thứ Tư thứ 2 trong tháng 12 để bầu tổng thống và phó tổng thống.
Theo đài CNN, thời điểm này được chọn để cho phép các bang có đủ thời gian xử lý các tranh chấp về kết quả bầu cử.
Năm nay, ngày bỏ phiếu của đại cử tri đoàn rơi vào ngày 14-12. Các đại cử tri, trong đó có những chính khách nổi tiếng như vợ chồng cựu tổng thống Bill Clinton, sẽ tập trung tại tòa nhà nghị viện các bang và ở thủ đô Washington để bỏ lá phiếu trực tiếp bầu tổng thống của mình.
Giờ bỏ phiếu tùy thuộc vào các bang nhưng bắt đầu sớm nhất là từ 10 giờ (giờ địa phương).
Người biểu tình tập trung tại tòa nhà nghị viện bang Pennsylvania khi các đại cử tri bỏ phiếu năm 2016. Ảnh: Reuters
Ứng viên nào nhận được ít nhất 270 phiếu của đại cử tri sẽ được công nhận là người thắng cử. Theo truyền thông Mỹ, chiến thắng này khó vuột khỏi tay ông Joe Biden, người được dự đoán có 306 phiếu đại cử tri, so với con số 232 của Tổng thống Donald Trump.
Theo đài CNN, cuộc bỏ phiếu của đại cử tri là bước tiếp theo trong tiến trình chính thức xác nhận ông Joe Biden là chủ nhân kế tiếp của Nhà Trắng. Bước tiếp theo diễn ra ngày 6-1-2021 tại quốc hội, nơi kiểm đếm kết quả và công bố người chiến thắng.
Trong những lần bầu cử trước đó, cuộc bỏ phiếu của đại cử tri đoàn thường chỉ mang tính tượng trưng và ít được chú ý. Dù vậy, cuộc bỏ phiếu năm nay lại có ý nghĩa chính trị quan trọng trong bối cảnh ông Trump vẫn chưa chịu nhận thua và từ bỏ nỗ lực lật ngược tình thế.
Các đại cử tri bỏ phiếu tại bang Bắc Carolina hôm 19-12-2016. Ảnh: Reuters
Thông thường, đại cử tri sẽ cam kết bỏ phiếu theo kết quả bầu cử phổ thông của bang. Dù vậy, vẫn còn đó nỗi lo về kịch bản đại cử tri "bất trung", tức không tuân thủ cam kết này.
Một số chuyên gia nhận định với đài ABC News rằng khoảng cách lớn về phiếu đại cử tri có thể khiến không đại cử tri nào muốn "nổi loạn" bởi họ biết rằng làm thế cũng vô ích.
Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ Elena Kagan cho biết lịch sử nước này ghi nhận 180 đại cử tri "bất trung" trong tổng số hơn 23.000 đại cử tri cho đến giờ. Đáng chú ý, sự đổi ý của họ chưa bao giờ làm thay đổi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.
Ngay cả khi kịch bản kết quả bầu cử năm 2020 bị lật ngược trong cuộc bỏ phiếu của đại cử tri là điều không tưởng, vẫn không loại trừ khả năng một số người phá vỡ cam kết của mình.
Theo thống kê, 33 bang và thủ đô Washington đòi hỏi đại cử tri tuân thủ cam kết bỏ phiếu cho người thắng phiếu phổ thông. Trong số này, ít nhất 5 bang có hình phạt cho đại cử tri vi phạm. Ngoài ra hàng chục bang có quy định hủy bỏ kết quả bỏ phiếu của đại cử tri bất trung và thay họ bằng người khác.
Vào đầu năm nay, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết về trường hợp "đại cử tri bất trung", theo đó khẳng định việc bắt buộc đại cử tri bỏ phiếu cho người thắng phiếu phổ thông không vi hiến.
Bình luận (0)