Một nhánh của Giáo hội Tin lành ở Mỹ ngày 15-8 đã kêu gọi chính phủ Mỹ ngưng mọi viện trợ cho Israel, đồng thời yêu cầu nước này chấm dứt hành vi chiếm đóng và công nhận nhà nước Palestine.
Bất ổn, bạo lực triền miên
Nhiều người cho rằng cuộc tranh chấp đất đai giữa Palestine và Israel kéo dài nhất trên thế giới. Suốt nhiều thế hệ, cả người Do Thái lẫn người Ả Rập đều đã đấu tranh giành quyền sở hữu mảnh đất Palestine và mỗi bên đều tin rằng họ có quyền sống ở đó.
Sau Thế chiến thứ hai, hàng ngàn người Do Thái được giải phóng khỏi các trại tập trung của Đức quốc xã đã đổ xô đến mảnh đất Palestine - nơi có một số người Do Thái sinh sống - dù dân cư ở đó chủ yếu là người Ả Rập. Thế là cuộc xung đột thời hiện đại đã nổ ra. Đài NPR (Mỹ) hôm 14-8 đưa tin: Trong vòng 128 tháng - gần 11 năm - kể từ tháng 2-2005 đến hết tháng 9-2015, chỉ 4 tháng không có người nào tử vong do bạo lực liên quan đến cuộc xung đột Israel - Palestine.
Theo website Ebsco Host, trước năm 1948, Palestine là một khu vực rộng gần 26.000 km2, tiếp giáp dòng sông Jordan, Ai Cập, Địa Trung Hải, Syria và Lebanon. Vùng đất này là nơi cư ngụ của cả người Do Thái và Ả Rập. Từ khi đế chế Ottoman sụp đổ năm 1923, người Do Thái và người Ả Rập bản xứ đều khẳng định quyền sở hữu vùng lãnh thổ này.
Người Do Thái quả quyết rằng Palestine thực sự là miền đất cổ xưa của Israel, theo Kinh thánh, đã được Thiên Chúa hứa ban cho mình. Còn người Ả Rập Palestine khăng khăng họ là những cư dân liên tục sinh sống trên mảnh đất này nên có quyền kiểm soát nó. Không bên nào công nhận khẳng định chủ quyền của bên kia đối với vùng lãnh thổ tranh chấp có giá trị pháp lý. Hậu quả là khu vực này triền miên chìm trong bất ổn và bạo lực trong suốt nhiều thập kỷ.
Cả Israel và Mỹ đều xem hành động quân sự của các chiến binh Hamas Palestine là sự gây hấn của bọn khủng bố và phản ứng về quân sự của Israel là để phòng vệ. Ngược lại, người Palestine xem hành động của quân đội Israel là khủng bố được nhà nước đỡ đầu. Từ đó, mỗi bên lại tiếp tục bị tổn thất trong khi cuộc tranh chấp lãnh thổ trong khu vực này vẫn cứ tiếp diễn. Cuộc xung đột này giành được sự quan tâm của các cộng đồng khu vực và quốc tế, cả 2 bên đều thu hút được sự ủng hộ cũng như sự trợ giúp về quân sự.
Vấn đề đất đai và ai là người cai quản vẫn là tâm điểm của cuộc xung đột Israel - Palestine. Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã can thiệp để vãn hồi hòa bình với kế hoạch phân chia năm 1947 vốn kêu gọi thành lập 2 nhà nước riêng biệt - Ả Rập và Do Thái. Theo đó, Jerusalem trở thành một thành phố quốc tế do LHQ kiểm soát, không thuộc về nhà nước nào. Người Do Thái chấp nhận kế hoạch này nhưng người Ả Rập không đồng ý.
Ngày 14-5-1948, người Do Thái tuyên bố độc lập, thành lập nhà nước Israel. Hôm sau, quân đội các nước Ai Cập, Syria, Lebanon và Iran tấn công Israel, tiến hành cuộc chiến tranh Ả Rập - Israel năm 1948. Sau một năm giao tranh, các bên tuyên bố lệnh ngừng bắn và thiết lập biên giới tạm thời. Jordan thôn tính Bờ Tây và Đông Jerusalem, còn Ai Cập nắm quyền kiểm soát Dải Gaza.
Năm 1956, tình hình càng căng thẳng hơn nữa khi Israel xâm chiếm bán đảo Sinai với sự giúp sức của Anh và Pháp nhưng sau đó đã rút quân theo lệnh của LHQ. Đến năm 1966, mối quan hệ Ả Rập - Israel xấu đi và cuối cùng đã dẫn đến cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967. Sau chiến tranh, Israel chiếm giữ bán đảo Sinai và Dải Gaza từ tay Ai Cập, Bờ Tây và Đông Jerusalem từ tay Jordan, cao nguyên Golan từ tay Syria. Sáu năm sau, cuộc chiến tranh Yom Kippur nổ ra và mối quan hệ giữa 2 bên kể trên tiếp tục diễn biến xấu.
Tranh giành đất
Sau cuộc chiến năm 1967, người Palestine đã chấp nhận thực tế nhà nước Israel bên trong biên giới năm 1948 và cuộc tranh chấp lãnh thổ ngày càng tập trung vào sự chiếm đóng của Israel đối với Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem. Các nghị quyết 242 (năm 1967) và 338 (năm 1973) của LHQ yêu cầu Israel phải rút hoàn toàn khỏi các khu vực này. Israel đã rút khỏi Dải Gaza ngày 12-9-2005 nhưng lại tiếp tục xây nhiều khu định cư của người Do Thái ở các khu vực khác.
Từ năm 2002, chính phủ Israel đã xây dựng một “hàng rào an ninh” ăn sâu vào trong lãnh thổ Palestine với biện luận rằng rào chắn này ngăn chặn những kẻ đánh bom liều chết Palestine tấn công công dân Israel. Thế nhưng, bức tường ngăn cách này lại là sự chiếm đóng thực tế lãnh thổ Palestine. Qua hành động xây “hàng rào” và tăng cường mở rộng khu định cư, Israel giành được quyền kiểm soát những khu vực quan trọng về kinh tế, các khu đất nông nghiệp và nguồn tài nguyên thiên nhiên, như nước. Tòa án Công lý quốc tế đã phán quyết rằng rào chắn Bờ Tây của Israel vi phạm luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh không cân sức về vùng đất Palestine hiện vẫn chưa dừng lại.
Nhà nước Palestine được Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tuyên bố thành lập năm 1988 nhưng chẳng có bất kỳ quyền kiểm soát nào đối với lãnh thổ. Kể từ đó, PLO đã vận động công nhận nhà nước Palestine, áp dụng đường biên giới 1967. Hiện nay, Liên đoàn Ả Rập và nhiều quốc gia ở Nam Mỹ, châu Phi, châu Á đã công nhận nhà nước Palestine. Đáng chú ý, các nước châu Âu và Bắc Mỹ vẫn chưa công nhận Palestine.
Điều cốt lõi của cuộc xung đột Palestine - Israel hẳn nhiên là vấn đề đất đai.Theo website Global Policy, mỗi năm, chính phủ Israel chi hàng triệu USD cho việc xây dựng khu định cư và số người Israel định cư ở Bờ Tây, bao gồm cả Đông Jerusalem, từ năm 1993 đến nay tăng lên đến nửa triệu. Người Ả Rập còn tố cáo nhà chức trách Israel đã dùng mọi cách để có thêm nhiều lãnh thổ từ khi lập quốc năm 1948.
Tiếp tục đấu tranh
Một quan chức PLO cao cấp cho biết lãnh đạo Palestine đang có kế hoạch tiến hành một cuộc đấu tranh, trước hết thông qua chiến dịch ngoại giao quốc tế nhằm chống lại sự chiếm đóng của Israel đối với các phần đất chính ở Bờ Tây. “Gần một nửa lãnh thổ Palestine đang trong tay Israel” - vị này thừa nhận.
Theo website Al-Monitor ngày 14-8, khi Israel tiếp tục chính sách xây dựng các khu định cư và phát triển kinh tế ở vùng lãnh thổ chiếm đóng 1 hoặc 2 năm nữa, quá trình xâm lược trên thực tế của Tel-Aviv sẽ không thể đảo ngược.
Kỳ tới: Máu loang ở quần đảo Falkland
Bình luận (0)