Các cáo buộc trên được đưa ra sau khi phóng viên tờ The Guardian (Anh) nói chuyện với 30 người Nepal làm việc tại 2 nhà máy làm sản phẩm cho hãng Samsung (Hàn Quốc) và Panasonic (Nhật Bản). Những công nhân làm cho Samsung được tuyển dụng trực tiếp hoặc thông qua một công ty cung ứng lao động. Trong khi đó, công nhân lắp ráp hoặc sản xuất linh kiện cho Panasonic được thuê bởi các công ty thầu phụ.
Theo một báo cáo năm 2014, gần 1/3 số người lao động trong ngành điện tử của Malaysia là lao động cưỡng bức Ảnh: Reuters
Mặc dù cả Panasonic và Samsung đều cấm các nhà cung cấp lao động tịch thu hộ chiếu hoặc thu phí tuyển dụng của lao động nhập cư nhưng số công nhân trên nói họ phải nộp hơn 1.200 USD cho các công ty tuyển dụng ở Nepal để được làm việc ở Malaysia. Bất chấp luật lao động sở tại, những lao động nhập cư này còn bị hạn chế đi lại bởi hộ chiếu của họ bị tịch thu ngay khi đến Malaysia.
Họ bị buộc làm việc đến 14 giờ/ngày mà không được nghỉ ngơi hợp lý trong lúc thời gian đi vệ sinh bị hạn chế. Nếu muốn chấm dứt hợp đồng lao động, họ phải nộp khoản tiền phạt tương đương 3 hoặc 4 tháng lương cơ bản.
“Chúng tôi chỉ có 45 phút để ăn trong ca làm việc 12 giờ và 7 phút mỗi 2 giờ để uống nước” - một công nhân tại nhà máy sản xuất lò vi sóng cho Samsung phàn nàn. Trong khi đó, công nhân làm việc tại dây chuyền sản xuất, lắp ráp cho Panasonic nói chỉ được đi vệ sinh 2 lần trong giờ làm việc. Điều kiện sống của họ cũng khó khăn. Theo tờ The Guardian, khoảng 14 công nhân chen chúc trong một căn phòng thuê ẩm mốc, dùng chung nhà vệ sinh xuống cấp.
Bình luận (0)